Multimedia Đọc Báo in

"Sóng ngầm" Hormuz và những "phép thử"

14:47, 02/08/2019

Những căng thẳng gần đây trong quan hệ giữa Iran và phương Tây ngày càng trở nên nghiêm trọng sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu treo cờ Anh ở eo biển Hormuz. Mặc dù Mỹ tuyên bố sẵn sàng tháo gỡ căng thẳng với Iran, song lại kêu gọi thiết lập phái bộ hải quân – và đây cũng được cho là “phép thử” về mối quan hệ giữa nước này với các đồng minh châu Âu.

Mỹ đã chính thức đề nghị Đức cùng với Anh và Pháp tham gia vào một liên minh hàng hải nhằm đảm bảo an ninh vùng biển chiến lược ở Vịnh Ba Tư khi mà quốc gia này vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga.

Đề nghị trên được đưa ra sau khi Mỹ và Anh kêu gọi tăng cường sự hiện diện của các lực lượng quốc tế trong hoạt động tuần tra trên tuyến đường chở dầu chiến lược quan trọng nhất thế giới cũng như tại địa điểm xảy ra các vụ bắt giữ tàu thuyền và máy bay không người lái.

Đáp lại lời kêu gọi này, ngày 31-7, Đức đã thẳng thừng từ chối không tham gia phái bộ do Mỹ đề xuất. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định chính phủ nước này đã quyết định sẽ không tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh theo đề nghị của Mỹ ở Eo biển Hormuz, nối Vịnh Persia với Vịnh Oman.

Giải thích cho quyết định này, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết Chính phủ Đức cho rằng chiến lược của Mỹ trong việc gia tăng áp lực đối đa nhằm vào Iran là sai lầm. “Đức sẽ không tham gia vào phái bộ hải quân do Mỹ dẫn đầu. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác Pháp. Chúng tôi coi chiến lược gia tăng sức ép là sai lầm, không muốn leo thang quân sự và sẽ tiếp tục ủng hộ con đường ngoại giao”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói.

Không giống như Pháp và Anh, việc triển khai của Đức phải được Quốc hội thông qua và gần như tất cả các lực lượng chính trị hiện đều phản đối tham gia vào sứ mệnh do Mỹ dẫn dắt chống lại Iran.

Tàu treo cờ Anh Stena Impero bị Iran bắt giữ. Ảnh: Reuters
Tàu treo cờ Anh Stena Impero bị Iran bắt giữ. Ảnh: Reuters

Còn đối với Pháp thì hiện tại vẫn chưa đưa ra quyết định. Không giống như Đức, Pháp có lợi ích trực tiếp trong khu vực này là nhận nhiều dầu thô từ Vịnh Persic với Saudi Arabia và điều này giải thích một phần cho thái độ do dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa thông báo quyết định.

Anh được coi là thành viên tiềm năng nhất trong đề xuất của Mỹ, trong bối cảnh Iran tiếp tục giữ một tàu chở dầu mang cờ nước này và Saudi Arabia vẫn là nhà cung cấp chính trong ngành nhiên liệu hàng không của Anh. Trong bối cảnh Anh đang ra khỏi Liên minh châu Âu và đặc biệt dưới thời tân Thủ tướng Boris Jonhson cho thấy khả năng Anh có thể sẵn sàng tham gia vào bất cứ chiến dịch nào của Mỹ.

Có nhận định cho rằng Mỹ khó có khả năng bảo vệ Eo biển Hormuz nếu không có bất cứ sự trợ giúp nào từ châu Âu. Tuy nhiên, điều khó khăn hơn đó là sẽ phơi bày một thực tế về lỗ hổng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương. Sự thận trọng của các đồng minh đối với một đề nghị đơn thuần của Mỹ là đảm bảo tuyến đường hàng hải, chứ chưa phải là một đề xuất chiến tranh toàn diện, cho thấy sự lỏng lẻo trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước chủ chốt trong NATO.

Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quản lý. Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái (UAV) của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.

3 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp, Anh cùng với Trung Quốc và Nga là những bên còn lại trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này năm 2018 và áp các lệnh trừng phạt lên Tehran. Trước các động thái đơn phương của Washington, EU phải tìm cách cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Iran cũng như thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo này dừng việc làm giàu urani vượt mức cho phép.

Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln ở vịnh Oman gần eo biển Hormuz hôm 15-7.   Ảnh: Reuters
Tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln ở vịnh Oman gần eo biển Hormuz hôm 15-7. Ảnh: Reuters

Trước đó, ngày 29-7, người đứng đầu lực lượng hải quân Iran - Chuẩn Đô đốc Hossein Khanzadi cho biết Iran đã ký kết một bản ghi nhớ "chưa từng có tiền lệ" với Nga nhằm mở rộng hợp tác quốc phòng hai nước. Thỏa thuận này được phía Iran đánh giá là "một bước ngoặt" trong quan hệ hai bên. Chỉ huy hải quân Iran cũng nhận định trên hãng truyền thông địa phương Radio Goftegoo hôm 30/7 rằng "an ninh hàng hải là rất quan trọng trong các vấn đề kinh tế và chiến lược. Các quốc gia liên quan đều có ảnh hưởng quan trọng đến hòa bình quốc tế. Sự hiện diện của Nga chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả".

Giữa căng thẳng với Mỹ và phương Tây, Iran cũng tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và phía Trung Quốc, hai bên đã thảo luận về "tình hữu nghị Iran - Trung Quốc trên mọi lĩnh vực", đồng thời chỉ trích các hành động của Mỹ mà hai nước này cho là đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những động thái xúc tiến bảo đảm an ninh của Mỹ và Anh ở vùng Vịnh đang làm dấy lên quan ngại về gia tăng căng thẳng với Iran. Trong trường hợp Iran đáp trả bằng biện pháp đóng cửa eo biển Hormuz, nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột quân sự sẽ là khó tránh khỏi. Những cơn “sóng ngầm” ở Hormuz có nguy cơ trở thành sóng dữ nếu các bên không kịp thời có những động thái đối thoại với thiện chí thật sự.

Lan Anh (Theo VOV, TTXVN/Vietnam+, Nhân Dân/Thời Nay)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.