Multimedia Đọc Báo in

Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Nỗi lo bùng phát chiến tranh tiền tệ

11:09, 10/08/2019
Theo giới chuyên gia, khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên còn chưa "ngã ngũ" thì Mỹ và Trung Quốc lại mở ra một “mặt trận” mới trong cuộc đối đầu kinh tế tay đôi đang ngày càng leo thang: tiền tệ.

Sự đáp trả có "chủ ý"

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước bất ngờ tuyên bố sẽ áp thuế thêm 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ 1-9 tới, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách để cho đồng nhân dân tệ (NDT) trượt khỏi ngưỡng tâm lý quan trọng 7 NDT/USD mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, tức ngân hàng trung ương) đã cố giữ trong suốt một năm qua.

Cụ thể, trong ngày 5-8 đồng NDT đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 7,0391 NDT/USD. PBoC cho biết các biện pháp đơn phương bảo hộ, cũng như đồn đoán về khả năng hàng hóa Trung Quốc sẽ chịu thêm các mức thuế bổ sung của Mỹ là những yếu tố chính dẫn đến sự giảm giá mạnh của đồng NDT.

Ngay sau khi đồng NDT lao dốc, một loạt các đồng tiền khác trên thị trường châu Á cũng đi xuống trong phiên 5-8. Đồng won Hàn Quốc chạm mức thấp của 3 năm là 1.218,3 won/USD, trong khi đồng rupee của Ấn Độ cũng rơi xuống mức yếu nhất kể từ đầu tháng 3-2019 là 70,425 rupee/USD. Đồng rupiah của Indonesia phiên này cũng giảm 0,7% xuống 14.270 rupiah đổi 1 USD, còn đồng baht Thái Lan - đồng tiền mạnh nhất khu vực châu Á kể từ đầu năm tới nay - giảm nhẹ xuống 30,84 baht đổi 1 USD. Đồng peso của Philippines để mất 0,4% xuống 51,84 peso/USD.

Hàng hóa Trung Quốc tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng hóa Trung Quốc tại Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phía Mỹ lập tức có phản ứng. Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày thông báo chính thức coi Trung Quốc là một nước "thao túng tiền tệ". Với thông báo này, Mỹ hoàn toàn có lý do để áp dụng mức thuế cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời có thể kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra đồng nội tệ của Trung Quốc, hoặc thuyết phục các đồng minh hạn chế hoạt động thương mại với nền kinh tế châu Á này.

Phản ứng trước thông báo này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 6-8 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng NDT để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố của PboC, việc coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.

Nỗi lo về một cuộc chiến tiền tệ

Các động thái gần như song hành trên được coi là bước leo thang mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giới phân tích và các nhà kinh tế đều bày tỏ lo ngại về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng mà sự gia tăng căng thẳng này sẽ gây ra cho cả hai nước.

Giới phân tích cho rằng, xung đột thương mại đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng mới, rất khó đảo ngược. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng, có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái. Bằng cách khăng khăng giữ vững quan điểm của mình, cả Mỹ và Trung Quốc đang tăng nguy cơ phá vỡ nền kinh tế toàn cầu vốn bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế 10% nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo mức thuế mới này sẽ “gây ra vết thương lớn hơn cho các doanh nghiệp, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, làm suy yếu nền kinh tế Mỹ”. Cổ phiếu của các công ty bán lẻ và các tập đoàn công nghệ tại Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề sau tuyên bố của ông Trump. Nông dân Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo các công ty nước này đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Cuộc chiến thương mại đã buộc chính phủ Mỹ phải rót hàng tỷ USD cứu trợ người nông dân.

Khung cảnh vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31-7-2019.
Khung cảnh vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung được tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31-7-2019.

Việc Trung Quốc hạ giá đồng NDT cho thấy nước này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại dài hơi. Động thái của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình. “Rủi ro tiền tệ là rủi ro dễ biến động nhất, khó nhìn thấy nhất và phản ứng nhanh nhất. Đó là cú nốc ao có thể hạ gục một võ sĩ trên đấu trường”, ông David Kotok, đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Cumberland Advisors, trụ sở ở Florida (Mỹ) nhận xét. Lo ngại biến động trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đã chuyển sang vàng. Lần đầu tiên giá vàng vượt ngưỡng 1.460 USD/ounce kể từ tháng 5-2013.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích Trung Quốc không “vũ khí hóa tiền tệ”. Các quan chức tại Bắc Kinh đang cố gắng giành lại thế chủ động để đưa ra quyết định trước Mỹ. Hơn nữa, việc hạ giá mạnh đồng tiền sẽ khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, gây bất ổn thị trường tài chính và ngăn làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc.

Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (New York) nói rằng tình hình có thể trở nên rất nghiêm trọng nếu căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ biến thành một cuộc chiến trên "mặt trận" tiền tệ. Điều này có thể khiến Mỹ về cơ bản “cấm cửa” tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhưng hậu quả tiềm ẩn nguy hiểm nhất của một cuộc chiến tiền tệ sẽ là việc đà tăng trưởng kinh tế nói chung ở cả Mỹ và Trung Quốc đều “giảm tốc” trong thời điểm các nhà phân tích lo ngại sự suy giảm trên toàn cầu có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.

Giáo sư Steven Charles Kyle tại Đại học Cornell đã lên tiếng cảnh báo rằng những khoản thuế quan cao hơn và sự mất giá của các đồng tiền sẽ tái hiện những dấu hiệu dẫn đến cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930. Chỉ sau một vài năm như vậy, hoạt động thương mại thế giới gần như đình trệ hoàn toàn.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.