Multimedia Đọc Báo in

Nước Mỹ và cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa đến hồi kết

09:03, 13/09/2019

18 năm sau vụ khủng bố 11-9, dù có những thành công nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố, song nỗi ám ảnh của nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt khi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ”.

Tổn thương vẫn hiện hữu trong lòng nước Mỹ

Ngày 11-9-2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất Mỹ.

18 năm đã trôi qua và người dân New York vẫn đang gánh chịu những tàn dư của vụ khủng bố. Ngoài cướp đi sinh mạng của 2.966 người, khiến 6.000 người khác bị thương, thảm kịch ngày 11-9-2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng. Vẫn có thêm rất nhiều người được chẩn đoán mắc ung thư và các bệnh lý nghiêm trọng khác, đặc biệt là liên quan tới phổi do hít phải các đám mây khói bụi độc hại lơ lửng trên khu vực phía Nam Manhattan nhiều tuần sau khi sự việc xảy ra. Theo Chương trình Y tế Trung tâm Thương mại Thế giới, khoảng 10.000 người trong số này đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, phổ biến là ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú và ung thư da.

Cảnh sát gác tại hiện trường vụ xả súng tại Gilroy, California (Mỹ) ngày 29-7-2019.  Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh sát gác tại hiện trường vụ xả súng tại Gilroy, California (Mỹ) ngày 29-7-2019. Ảnh: THX/TTXVN

Bên cạnh đó, nước Mỹ đã bị "tổn thương" sâu sắc bởi đây được xem là vụ tấn công vào hai biểu tượng sức mạnh của cường quốc này: Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) và Lầu Năm góc.

Trước thực trạng này, Tổng thống Trump hồi cuối tháng 7-2019 đã ký phê chuẩn một văn kiện luật mới kéo dài thời hạn từ năm 2020 đến năm 2090 cho các nạn nhân của vụ tấn công nộp đơn yêu cầu bồi thường. Ông cũng yêu cầu bổ sung ngân sách thường xuyên cho Quỹ bồi thường nạn nhân sau khi dùng hết ngân sách ban đầu 7,3 tỷ USD, với một khoản bồi thường trung bình lên tới 240.000 USD mỗi bệnh nhân và 682.000 USD nếu người đó qua đời.

Cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn

Sau thời điểm kinh hoàng năm 2001 đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố khai màn "cuộc chiến chống khủng bố" - cuộc chiến tới nay được xem là kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Kể từ đó, không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào guồng máy “chống khủng bố toàn cầu” do ông Bush phát động, từ cuộc chiến đầu tiên tại Afghanistan cho đến chiến trường tại Iraq và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hiện trường một vụ nổ bom ở Iraq. (Nguồn: iraqinews)
Hiện trường một vụ nổ bom ở Iraq. (Nguồn: iraqinews)

Mỹ đã thành lập Bộ An ninh Nội địa, Bộ chỉ huy miền Bắc, Giám đốc tình báo quốc gia, Lực lượng đặc biệt chống khủng bố với quy mô nhân lực và kinh phí lần lượt tăng lên gấp 2 và 3 lần so với trước. Các biện pháp, phương tiện đảm bảo an ninh đường không, đường biển, nội địa, an ninh mạng được phát triển, tổ chức chặt chẽ, nhằm hình thành “phòng tuyến” vững chắc bảo vệ nước Mỹ. Để ngăn chặn hiệu quả các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ, Washington cũng đã triển khai chiến lược tập trung vào 3 mũi nhọn chính, gồm tấn công những nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố, hợp tác tình báo và tăng cường an ninh nội địa. Mỹ đã vận dụng mối quan hệ tình báo với các đối tác nước ngoài như một trọng tâm trong nỗ lực chống IS và al-Qaeda.

Hiểm họa khủng bố vẫn chưa thôi rình rập nước Mỹ và cả thế giới. Có vẻ việc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để chống khủng bố vẫn là một chiến lược còn nhiều khiếm khuyết khi Mỹ và phương Tây đang tạo ra nghịch lý “hận thù, bạo lực” nối tiếp nhau, vô hình trung lại kích động chủ nghĩa khủng bố phát triển.

Theo thống kê của trang National Interest, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến này, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD để chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới.

Tuy nhiên, một nghịch lý là Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Theo nghiên cứu của trung tâm CSIS (Mỹ), số lượng các tay súng thánh chiến Hồi giáo dòng Salafi đã tăng tới 270% kể từ năm 2001. Tính đến năm 2018, có tới 67 nhóm thánh chiến hoạt động trên thế giới, tăng 180% so với năm 2001. Đáng chú ý, phần lớn trong tổng số khoảng 280.000 tay súng thánh chiến hiện nay hiện diện ở các quốc gia mà Mỹ có can thiệp quân sự trong 18 năm qua, như Iraq, Afghanistan hay Libya.

Mặt khác, sau 18 năm với những chiến lược khác nhau, Mỹ lại bị “sa lầy” tại chiến trường Iraq và cả Afghanistan.Các tay súng Taliban vẫn tiến hành các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên tại Afghanistan, và đây là một phần nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán mà Mỹ xúc tiến với Taliban để mở đường cho việc rút quân khỏi chiến trường Tây Nam Á này đổ vỡ mới đây. Trong khi đó, al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á. Bất chấp phải hứng chịu rất nhiều thất bại ở Syria và Iraq, IS đang có điều kiện để “trỗi dậy trở lại”.

Bên cạnh đó, các lực lượng an ninh chống khủng bố phải chịu sức ép lớn để phát hiện và ngăn chặn những đối tượng "có cảm tình" với IS hay al-Qaeda thực hiện các vụ tấn công theo kiểu "sói đơn độc".

Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới. Do đó, một cách tiếp cận mới bền vững hơn về vấn đề chống khủng bố là điều Mỹ cần tìm kiếm và thúc đẩy để có thể đưa cuộc chiến này đi đến hồi kết.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.