Multimedia Đọc Báo in

Dư luận phản ứng trái chiều về Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ

15:44, 31/01/2020
Ngày 28-1 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông gọi là “đề xuất chi tiết và thực tế nhất”, “bước tiến lịch sử” giúp giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Israel và Palestine. Thế giới lập tức có những phản ứng “trái chiều”.
 
Bản kế hoạch này đưa ra chi tiết về cách thức mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ giải quyết những thách thức chính trị kéo dài trong nhiều năm qua giữa Israel và Palestine. Theo nội dung của kế hoạch hòa bình này, nhà lãnh đạo Mỹ đề xuất giải pháp “hai nhà nước một cách thực tế” cho Israel và Palestine, theo đó thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, tùy thuộc vào những bước đi mà người Palestine sẽ thực hiện để trở thành một chính quyền tự quản.
 
Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel. Điểm “gây tranh cãi nhiều nhất” trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính là việc công nhận chủ quyền các khu định cư tại các vùng đất chiếm đóng cho phía Israel.
 
Phản ứng trước kế hoạch này của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi ngày 28-1 là một dấu mốc lịch sử quan trọng: “Chúng tôi sẽ nhớ đến ngày 28-1-2020. Bởi vì vào ngày này, Tổng thống Donald Trump đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu vực ở Judea và Samaria – những nơi có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của chúng tôi và là trung tâm di sản của chúng tôi. Và cũng chính ngày này, Tổng thống Mỹ đã tạo nên một tương lai rực rỡ cho người Israel, người Palestine và khu vực bằng cách đưa ra một con đường thực tế cho một nền hòa bình lâu dài”. Thủ tướng Israel hy vọng Palestine và các nước Arab chấp thuận giải pháp do Mỹ đề ra, đảm bảo một nhà nước Palestine trong tương lai, với các khu vực Đông Jerusalem là thủ đô, chung sống “hòa bình” với Israel.
 
Tuy nhiên, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ngay lập tức bác bỏ Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, khẳng định Jerusalem không phải để bán, các quyền lợi chính đáng của người Palestine không thể đem ra mặc cả. Nhiều đảng phái chính trị và người dân Palestine cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch hòa bình của Mỹ, cho rằng đây là một tuyên bố “hung hăng”, tạo ra sự tức giận cho người dân khu vực; "là một món quà của một kẻ ăn trộm dành cho một tên trộm khác".
 
Khu định cư Maale Adumim tại vùng ngoại ô Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khu định cư Maale Adumim tại vùng ngoại ô Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Còn Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres thì khẳng định, cơ quan này sẽ đứng ra làm trung gian để giải quyết các bất đồng giữa Israel và Palestine, dựa theo luật pháp quốc tế, các nghị quyết trước đây và giải pháp hai nhà nước dựa trên đường biên giới có trước năm 1967. Đây cũng là quan điểm mà Bộ Ngoại giao Jordan lên tiếng ủng hộ.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng đã chỉ trích kế hoạch này của Mỹ, cảnh báo đây là “cơn ác mộng” với khu vực và thế giới. Còn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, kế hoạch này là hành động thôn tính, đánh cắp đất đai vốn thuộc về Palestine, giết chết giải pháp hai nhà nước trước đây.
 
Bộ Ngoại giao Ai Cập thì kêu gọi cả Israel và Palestine nên xem xét cẩn thận thỏa thuận hòa bình mà Mỹ vừa công bố, hy vọng hai bên sớm nối lại đàm phán và duy trì các kênh đối thoại mở. Còn Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thì nhận định, kế hoạch của Mỹ là một đề xuất nghiêm túc, đồng thời cũng kêu gọi Israel và Palestine sớm trở lại đàm phán.
 
Về phần mình, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit cho rằng việc áp đặt mọi giải pháp đối với cuộc xung đột giữa Palestine và Israel sẽ không thành công. Ông nhấn mạnh đàm phán giữa Israel và Palestine là con đường duy nhất để đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự nghiêm túc và cân bằng. 
 
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết EU sẽ nghiên cứu và đánh giá những đề xuất của Tổng thống Trump dựa trên cam kết đối với giải pháp hai nhà nước có tính đến “những nguyện vọng chính đáng của cả Israel và Palestine".
 
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia tuyên bố vương quốc này “đánh giá cao” những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm xây dựng một kế hoạch hòa bình Trung Đông, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp. Trong khi đó, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã gọi điện cho Tổng thống Palestine Abbas, trong đó khẳng định quan điểm không thay đổi của vương quốc này là sát cánh cùng người dân Palestine cũng như ủng hộ quyền lợi của họ.
 
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố Chính phủ Liên bang Nga sẽ nghiên cứu kế hoạch nói trên, đồng thời kêu gọi Palestine và Israel đàm phán trực tiếp nhằm tìm ra một giải pháp có thể được các bên chấp thuận.
 
Ngay trong nước Mỹ, các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng đưa ra những phản ứng trái chiều với Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bày tỏ sự ủng hộ đối với những đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump đối với cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua giữa Israel và Palestine. Bà Pelosi nhấn mạnh: “Nếu có một khả năng cho hòa bình, chúng tôi muốn cho nó một cơ hội”.
 
Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống sáng giá của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren lên án kế hoạch trên không mang lại tương lai thực sự cho một quốc gia Palestine. Bà Warren tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ kế hoạch nào giống như kế hoạch của Tổng thống Trump mà trong đó không có sự tham gia của các nhà đàm phán Palestine.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.