Năm 2020: Cơ hội để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế
Xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết
Năm ASEAN 2020 mang chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Với vai trò Chủ tịch ASEAN theo luân phiên, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Đồng thời, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…; nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc). |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
|
Những ưu tiên chính sẽ được Việt Nam thúc đẩy trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm: Tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Về xây dựng cộng đồng kinh tế, Việt Nam xác định 3 định hướng chính: tập trung sức mạnh nội khối ASEAN thông qua liên kết khu vực; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN kết nối các nước, nền kinh tế khác trên thế giới; những ưu tiên để tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Trong Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, Việt Nam đề xuất chú trọng các ưu tiên như: gắn kết cộng đồng thông qua phát triển nguồn nhân lực, công tác xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế; tăng cường giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN; tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh trong nhóm dân tộc thiểu số; thiết lập cơ chế hợp tác ASEAN đối với vấn đề tin tức giả mạo; thúc đẩy quản lý thảm họa, thiên tai và các hoạt động tình nguyện của thanh niên… Việt Nam sẽ tăng cường các diễn đàn, thảo luận về vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh cũng như lãnh đạo nữ trong Cộng đồng.
Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc
Từ tháng 1-2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, trong đó Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 1-2020 và tháng 4-2021. Với tinh thần trách nhiệm cao, Việt Nam đã triển khai nhiều công việc để sẵn sàng đảm nhận tốt vai trò này.
Trước đó, tại khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hiệp quốc vào tháng 6-2019, với số phiếu bầu kỷ lục 192/193 phiếu, Việt Nam chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương Liên hiệp quốc; cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương Liên hiệp quốc; vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; phụ nữ, hòa bình và an ninh, và trẻ em trong xung đột vũ trang; khắc phục hậu quả xung đột, bao gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột; hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc; tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh.
Vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là thách thức rất lớn trong bối cảnh đang có nhiều diễn biến phức tạp trong tình hình quốc tế và cũng như tại chính Liên hiệp quốc. Song, đối với Việt Nam, điều thuận lợi cơ bản là luôn gắn bó lợi ích quốc gia trong lợi ích chung của nhân loại. Việt Nam luôn gắn bó với ngoại giao đa phương, sẵn sàng đóng góp như đã từng hy sinh đóng góp cho hòa bình và phát triển của nhân loại cũng như của chính mình. Điều đó tạo cơ sở để tin rằng các dân tộc khác cũng chia sẻ giá trị chung này và phối hợp để Việt Nam đóng góp xứng đáng tại Liên hiệp quốc.
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc