Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56: Vai trò của phương Tây ngày càng suy yếu?

09:06, 22/02/2020
Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 diễn ra trong 3 ngày (từ 14 đến 16-2) tại thành phố Munich của Đức, được cho là không đủ để thảo luận về tất cả các vấn đề nóng toàn cầu, trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bất ổn với các cuộc xung đột cùng những thách thức về biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 hiện nay…

Sức nóng của sự kiện này được thể hiện ngay ở số lượng khách mời tham dự, với khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng, cùng đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một số thành viên của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế.

Với tầm quan trọng của một sự kiện an ninh được trông đợi, hàng loạt chủ đề nổi bật đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, bao gồm căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ - Iran và nỗ lực duy trì Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) của các nước châu Âu; cuộc xung đột lịch sử giữa Israel và Palestine với việc Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông gây tranh cãi; các cuộc xung đột tại Libya, Syria; bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc; dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga; tình hình bán đảo Triều Tiên; chủ nghĩa dân tộc, dân túy nổi lên ở nhiều nơi…

Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu và gần đây nhất là sự bùng phát đáng lo ngại của dịch Covid-19 cũng là nội dung trọng tâm của hội nghị. Những nội dung thảo luận đó được đặt trong chủ đề xuyên suốt là vai trò của các nước phương Tây với an ninh thế giới, giữa những lo ngại về việc vai trò này có nguy cơ bị đe dọa và tự suy yếu xuất phát từ những rạn nứt, mâu thuẫn nội bộ cùng sự nổi lên của các cường quốc mới.

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 tại thành phố Munich, Đức.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 tại thành phố Munich, Đức.

Hiện tượng “mất tính phương Tây” (Westlessness), hay tầm ảnh hưởng của phương Tây bị suy yếu, đã trở thành nội dung chính và là chủ đề bao trùm xuyên suốt Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56. Câu hỏi về vai trò của phương Tây và châu Âu hay cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc được các nhà lãnh đạo Lục địa già đặt ra trong bối cảnh nước Anh đã “dứt áo ra đi” khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn nước Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump cũng có xu hướng giảm cam kết ở nhiều vấn đề trong quan hệ với đồng minh truyền thống và theo đuổi chính sách “nước Mỹ hàng đầu”.

Diễn văn khai mạc hội nghị lần thứ 56 của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã thẳng thắn đề cập tới những yếu kém, sự lỏng lẻo trong cái gọi là thế giới phương Tây. Vị nguyên thủ Đức nói thẳng rằng, đồng minh thân cận nhất của châu Âu là Mỹ lại là nước bác bỏ khái niệm “cộng đồng quốc tế”, khi cho rằng các nước nên tự lo liệu và họ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của nước khác. Chính sách “nước Mỹ trước tiên” được đánh đổi bằng chi phí của các nước láng giềng và đối tác.

Tổng thống Đức cũng nêu rõ nước Mỹ giờ đây không còn đặt châu Âu vào trọng tâm như trước và châu Âu cũng không nên huyễn hoặc rằng việc suy giảm sự quan tâm tới châu Âu chỉ xảy ra ở chính quyền Mỹ hiện tại. Theo Tổng thống Đức, trong thời đại ngày nay, sự co cụm hay rút vào khuôn khổ quốc gia “sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt, đến một thời kỳ đen tối”. Theo ông, Đức hay phương Tây, không thể định hình thế giới theo mô hình của mình.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Pháp E.Macron nhận định, vai trò của phương Tây có nguy cơ bị phân tán và suy yếu khi những ưu thế về quân sự, kinh tế, công nghệ… dần suy giảm trong bối cảnh nhiều giá trị khác đang nổi lên.

Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cho rằng châu Âu giờ đây nên tự bảo vệ mình, tự nắm lấy vận mệnh và không thể trông chờ vào cái ô che chở từ bên ngoài nữa. Một trong những giải pháp đã được giới chức Đức và Pháp nêu ra là thành lập một liên minh an ninh và quân sự của châu Âu, một tổ chức giúp bảo vệ châu Âu chứ không phải để đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn bị Tổng thống Macron coi là đã “chết não”.

Trước những phát biểu của các nhà lãnh đạo Đức, Pháp tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức bác bỏ “những suy nghĩ bi quan” này, đồng thời ca ngợi sức mạnh của phương Tây, nói rằng phương Tây đã “chiến thắng và cùng nhau sẽ chiến thắng”. Ông bác bỏ những chỉ trích nói rằng Mỹ rút khỏi liên minh xuyên Đại Tây Dương, cho rằng những cảnh báo về “cái chết” của liên minh xuyên Đại Tây Dương là “cường điệu” và Mỹ luôn có quan điểm vững chắc trong hợp tác quốc tế. Nhân dịp này, ông cũng tuyên bố ủng hộ việc củng cố Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), đồng thời công bố hỗ trợ 1 tỷ USD cho “Sáng kiến 3 biển” (gồm 12 quốc gia Trung và Đông Âu ở Biển Bắc, Biển Đen và Địa Trung Hải) để các nước này tăng cường hợp tác với nhau cũng như phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, những tuyên bố hùng hồn của Ngoại trưởng Pompeo cũng như sau đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper không xua tan được sự bi quan về một phương Tây suy yếu khi hai bờ Đại Tây Dương không còn đặt trọng tâm về nhau và cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quốc tế.

Có thể nói những gì diễn ra trong 3 ngày qua tại Hội nghị An ninh Munich càng cho thấy vết nứt sâu mà Mỹ và châu Âu khó có thể hàn gắn khi tìm giải pháp cho các cuộc xung đột toàn cầu. Là một diễn đàn có uy tín nhất thế giới trong chính sách an ninh, thế nhưng Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 lại “nổi bật” với những “lời qua, tiếng lại” của hai bờ Đại Tây Dương. Rút cuộc, các nhà hoạch định hội tụ về Munich mục đích chính là để nói về nhau, thay vì cùng nói về những vấn đề mà thế giới quan tâm. Phải chăng, đó là sự bất lực của phương Tây trong một thế giới đã biến đổi?

Hồng Hà (Theo TTXVN, QĐND)


Ý kiến bạn đọc