Cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo toàn cầu vì Covid-19
“Đại dịch Covid-19 đang đẩy thế giới trước nguy cơ một thảm họa nhân đạo”, đây là cảnh báo được Liên hiệp quốc (LHQ) đưa ra ngày 21-4.
Chương trình Lương thực thế giới (PAM) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể làm gia tăng gấp đôi số người trên bờ vực nạn đói trong năm nay, cũng đồng nghĩa với “một thảm họa nhân đạo toàn cầu”. Cụ thể, số người bị đói nghiêm trọng có thể tăng lên hơn 250 triệu người từ nay đến cuối năm do tác động kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã gây tác động tàn phá cả đối với người lao động và nhà tuyển dụng do những tổn thất lớn về sản xuất và việc làm trong toàn bộ các lĩnh vực. Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Rude, vấn đề việc làm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai và tác động kinh tế của đại dịch có thể sẽ nghiêm trọng và lâu dài.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới cũng phải chịu tác động nặng nề cả về kinh tế - xã hội.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Paris, Pháp trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN |
Nền kinh tế Mỹ, vốn được ca ngợi vì những thành công đầy ấn tượng trong nhiều năm qua, bất ngờ trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi những nhu cầu cơ bản nhất như thực phẩm, nơi ở, chăm sóc y tế không còn được đảm bảo như trước. Vài ngày trước, Bộ Lao động Mỹ công bố thông tin rất ảm đạm: Suốt 4 tuần qua, đã có 22 triệu người mất việc, bằng tổng số việc làm mới được tạo ra trong 9 năm rưỡi trước khi Covid-19 xuất hiện. Theo thống kê, có tới 4 trên 10 người lao động Mỹ không đủ khả năng chi trả 400 USD cho các chi phí phát sinh đột xuất.
Không chỉ “phá nát” cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo khổ, Covid-19 còn tấn công trực diện vào tầng lớp trung lưu khiến cho cuộc sống của họ ngày càng bấp bênh. Những người này giờ phải sống trong triền miên lo lắng vì tương lai bất định ngay cả cho con cháu họ. Trong khi đó, theo Peterson-Kaiser Health System Tracker – tổ chức chuyên về theo dõi hệ thống y tế công - những người lao động tại các tập đoàn lớn lại phải chi trả số tiền chăm sóc y tế tăng lên chóng mặt so với khoản tiền lương tăng thêm ít ỏi của họ trong 10 năm qua. Ngoài ra, tiền thuê nhà của họ cũng tăng mạnh, nhiều người phải chi tới 50% thu nhập cho khoản tiền này.
Tình hình tại châu Âu trong những ngày này cho thấy nghèo khó và mức độ rủi ro nhiễm vi rút luôn là “bạn đồng hành”. Đại dịch Covid-19 tấn công châu Âu trong bối cảnh số người vô gia cư tại châu lục này tăng lên đáng kể so với 10 năm trước. Hiện ước tính có khoảng 700.000 người vô gia cư tại Liên minh châu Âu (EU) và Anh, tăng 70% so với cách đây 1 thập niên và con số này vẫn tiếp tục gia tăng ở khắp các nước (trừ Phần Lan).
Ở Anh, mặc dù chính quyền thành phố London và các tổ chức từ thiện đã chi 10,5 triệu bảng để giúp trả tiền thuê chỗ ở cho những người vô gia cư, nhưng hiện vẫn còn khoảng 900 người vô gia cư tại London không có chỗ ngủ trong nhà, điều này đồng nghĩa họ không thể thực hiện được hướng dẫn mà chính phủ khuyến cáo người dân trong mùa dịch bệnh. Những người ngủ trên đường phố là nhóm đối tượng được cho có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn vì rất nhiều người có bệnh nền. Những người này cũng sẽ không thể “tự cách ly tại nhà” như khuyến cáo nếu như họ có triệu chứng mắc bệnh.
Theo tổ chức Food Foundation, trong vòng 3 tuần lễ phong tỏa, nước Anh có tới 1,5 triệu người bị đói do không thể đi mua thực phẩm vì trong diện tự cách ly tại nhà, không thể đến được những chỗ phát đồ ăn miễn phí do nhiều nơi đóng cửa hoặc không có tiền mua thực phẩm. Khoảng 3 triệu người đã phải giảm bớt bữa ăn trong ngày. Hơn 1 triệu người được cho là đã mất việc làm do đại dịch, trong đó khoảng 300.000 người tin rằng họ không đủ tiêu chuẩn để được hưởng hỗ trợ của chính phủ. Nhiều tổ chức từ thiện chuyên cấp phát thực phẩm miễn phí thông báo số người đến các trung tâm của họ tăng cao đột biến.
Người vô gia cư trên đường phố ở Windsor, phía tây thủ đô London, Anh. |
Nhiều lao động nước ngoài đã bị mất việc, không có thu nhập. Đa phần họ là những lao động nhập cư tạm thời đến từ ngoài Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) - gồm EU, Na Uy, Iceland và Liechtenstein - những người có visa sang làm việc nhưng kèm theo quy định không được nhận tiền từ quỹ công như nhận tiền trợ cấp nếu như họ bị mất việc. Tập đoàn tư vấn McKinsey dự báo, tại châu Âu, suy thoái kinh tế có thể gây ảnh hưởng tới việc làm của 60 triệu người lao động, từ giảm lương đến sa thải.
Trong khi đó, một cơ quan của LHQ có trụ sở tại Chile dự báo, Mỹ Latinh trong năm nay sẽ phải chứng kiến cơn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, với tăng trưởng GDP giảm tới 5,3% do những hậu quả của đại dịch đối với các nền kinh tế khu vực.
Trước “kẻ thù vô hình” vi rút SARS-CoV-2, Tổng thống Donald Trump đã thông báo “tạm dừng nhập cư” nhằm bảo vệ việc làm của người dân Mỹ. Tại châu Âu, dù số ca mắc bệnh và tử vong vẫn ở mức cao, song nhiều nước, mà dẫn đầu là Đức, cùng với Áo, Na Uy, Đan Mạch cũng đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc