Bukhara - nền văn minh cổ đại nổi tiếng ở Trung Á
Nền văn minh ở Bukhara thuộc Uzbekistan thời trung cổ từng được ví như Rome hay Babylon, là trung tâm của các nền văn minh cổ Trung Á nằm trên Con đường tơ lụa nổi tiếng.
Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới với nhiều kiến trúc nổi tiếng như lăng Ismail Samani, pháo đài Ark, các nhà thờ Hồi giáo Kal-yan, Ulugbek Madrassa, Labi-Hauz và Chor Minor”. Bukhara ước tính khoảng 2.300 tuổi, dân số khoảng 250.000 người, là thành phố lớn thứ ba ở Uzbekistan. Lịch sử của Bukhara có nhiều biến động theo từng thời kỳ. Thế kỷ 9 - 10 thuộc vương triều Salman, năm 1220 bị Thành Cát Tư Hãn và đội quân Mông Cổ chiếm đóng, đến năm 1370 bị chinh phục bởi Tamerlane, năm 1990 thì hoàn toàn độc lập.
Bukhara bị chinh phục bởi Alexander Đại đế và cũng từng được cai trị bởi Đế chế Kushan. Tuy nhiên, khi Samanids lên nắm quyền, họ đã tạo ra một nhà nước phong kiến rộng lớn, với Bukhara là thủ đô. Nơi đây được xem là một phần của Con đường vàng, điểm gặp gỡ của các nhánh phía bắc và nam của Con đường tơ lụa, và trở thành là một trung tâm thương mại, tôn giáo và văn hóa lớn. Vào thế kỷ thứ 10, Bukhara phát triển thành một trung tâm khoa học và văn hóa, nơi sinh sống của các nhà thơ nổi tiếng như Rudaki và Dakiki và Avicenna, nhà khoa học và bác sĩ vĩ đại.
Nhà thờ Hồi giáo Kalyan. |
Di sản nổi tiếng ở Bukhara phải kể đến tòa tháp Kayanga xây dựng năm 1127, cao 46,5 m, nằm ở trung tâm thành phố cũ của Bukhara bên cạnh Grand Mosque. Tháp được xây dựng bằng gạch nung, có móng sâu 16 m, chân thẳng lên đến 9 m. Tháp có kiến trúc mái vòm, trang trí bằng gạch hoa. Tầng lửng trên có 16 cửa sổ mờ cong, trang trí bằng thạch nhũ hay còn gọi là nhũ đá. Thạch nhũ khi gặp nắng sẽ phát ra ánh sáng long lanh cho du khách cảm giác những cửa sổ đó được nạm ngọc. Tháp có bậc thang dẫn đến hành lang cong hẹp mà khi đứng ở bậc trên cùng, bầu trời, dòng sông và cả đô thị cổ sẽ hiện ra trước mắt du khách.
Nhà thờ Hồi giáo Kalyan tọa lạc tại quảng trường phía trước tháp Kayanga. Công trình được xây dựng năm 1514 với tông màu xanh, bề mặt trang trí bằng gạch đánh bóng và làm bằng kính khảm. Khuôn viên nhà thờ có chiều dài 127 m, rộng 78 m có thể chứa 12.000 người. Giữa sân có bốn hiên phẳng truyền thống, có tu viện trong sân. Nhà thờ có đến 114 phòng chứa đựng kinh Koran để dạy giáo sĩ. Nhiều tín đồ đổ về đây để nghiên cứu triết lý đạo Hồi.
Các di tích quan trọng tồn tại từ thời kỳ đầu gồm lăng mộ Ismail Samanai nổi tiếng, minh chứng tốt nhất còn sót lại của kiến trúc Hồi giáo thế kỷ thứ 10. Hàng loạt kiến trúc đền, đài ra đời từ thời Karakhanid trị vì đầu thế kỷ 11, như: nhà thờ Poi-Kalyan, kiệt tác bằng gạch, nhà thờ Hồi giáo Magoki Attori, đền thờ Chashma Ayub. Các kiến trúc ra đời sau này ở Bukhara có nhà vòm Taki Sarafon, Taki-Tilpak-Furushan,Tim-Bazzazan và Tiro-Abdullah. Đầu thế kỷ 17 có thêm các kiến trúc mới như nhà thờ Magoki Kurns (1637), Abdullaziz-Khan medresseh (1652)...
Tầm quan trọng thực sự của Bukhara không nằm ở các tòa nhà riêng lẻ mà là ở toàn cảnh của thành phố, thể hiện mức độ cao và nhất quán của quy hoạch và kiến trúc đô thị. Kiến trúc nhà đô thị ở Bukhara có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và quy hoạch của các đô thị ở khu vực Trung Á. Bukhara là ví dụ hoàn hảo và hoang sơ nhất của một thành phố Trung Á thời trung cổ được bảo tồn hoàn thiện cho đến ngày nay. Giữa thế kỷ 9 và 16, Bukhara là trung tâm thần học Hồi giáo lớn nhất ở Cận Đông với hơn 200 nhà thờ Hồi giáo.
Bất chấp sự tàn phá của thời gian, thiên nhiên, nước ngầm hay mối mọt, Bukhara vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. Ngày nay nhiều tòa nhà hiện đại mọc lên nhưng cảnh quan của thành phố thời trung cổ vẫn còn tồn tại. Đặc biệt là các cấu trúc tôn giáo, chẳng hạn như Cung điện Mùa hè, lâu đài Jacques, nhà thờ Hồi giáo Kayanga, lăng Samanid, tháp Kayanga… Thành phố bao gồm 500 di tích đã phục hồi vào những năm 1960 dưới sự chỉ đạo của Liên Xô, và tiếp tục được tồn tại và phát triển kể từ khi Uzbekistan tách khỏi Liên Xô cũ.
Bukhara đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1993.
Khắc Hùng (Dịch từ NET/GT/WUO/KPC-6/2020)
Ý kiến bạn đọc