13:52, 28/08/2020
Hội nghị Mekong - Lan Thương lần thứ ba diễn ra ngày 24-8 vừa qua theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị cùng lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Hội nghị lần này đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương, đưa ra nhiều định hướng quan trọng cho hợp tác khu vực.
Hội nghị lần thứ ba được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến các nền kinh tế toàn cầu. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đều khẳng định đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến các nước khu vực Mekong - Lan Thương và nhận định đây là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao sáu nước cùng trao đổi về những vấn đề lớn của khu vực và thống nhất phương hướng, biện pháp giải quyết các thách thức chung.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và các đại biểu tham dự Hội nghị Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ ba tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung”, Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua và thảo luận các phương hướng thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn tới. Theo đó, các nhà lãnh đạo đều đánh giá cao việc triển khai ba trụ cột chính là hợp tác về chính trị, hợp tác về kinh tế và phát triển bền vững, hợp tác về giao lưu văn hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương, tuy trong thời gian ngắn nhưng đã đi vào thực chất, đạt được hiệu quả và mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia thành viên cũng như người dân và doanh nghiệp. Có thể kể đến việc sáu nước đã triển khai hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, quản lý nguồn nước… Một số trung tâm hợp tác chuyên ngành như: Trung tâm Toàn cầu về nghiên cứu Mekong, Trung tâm Hợp tác nguồn nước, Trung tâm Hợp tác về môi trường, Trung tâm Hợp tác về nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Ngoài ra điều này cũng được thể hiện rõ nét trong quá trình hợp tác chặt chẽ giữa các bên để ứng phó thành công với đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo tiếp tục khẳng định quyết tâm cùng xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng; nhất trí đẩy mạnh hợp tác và phối hợp cùng giải quyết các thách thức về môi trường và kinh tế xã hội mà các nước thành viên phải đối mặt. Theo đó, sáu nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong ba trụ cột (chính trị, kinh tế - phát triển bền vững, văn hóa - xã hội) và năm lĩnh vực ưu tiên (gồm kết nối, quản lý nguồn nước, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo). Các nước cũng nhất trí tận dụng hiệu quả hơn nữa Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương, nâng cao chất lượng, tính thực tiễn của dự án, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân sáu nước.
Nội dung hợp tác quản lý và sử dụng nguồn nước Mekong đã được các nhà lãnh đạo dành nhiều thời gian thảo luận. Hội nghị nhất trí, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các nước ven sông cần đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ thông tin số liệu thủy văn của lưu vực sông, thực hiện các nghiên cứu chung, đối thoại chính sách, quản lý lũ lụt và hạn hán, phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong.
Trong hơn 10 cơ chế hợp tác hiện có tại tiểu vùng Mekong, cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương đang nổi lên với nhiều lợi thế và những kỳ vọng lớn, có nội dung hợp tác bao trùm trên nhiều lĩnh vực.
Jose Mourinho
|
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương là đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, mong muốn thảo luận về xây dựng kênh chia sẻ thông tin số liệu thủy văn giữa các nước Mekong - Lan Thương, triển khai các dự án hợp tác chung về cảnh báo lũ lụt, thiên tai.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những tiêu chí mà hợp tác Mekong - Lan Thương cần bảo đảm để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về một tầm nhìn Mekong - Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Đó là hợp tác trên cơ sở lòng tin, quan hệ chân thành, thẳng thắn, hữu nghị; bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế; lấy con người làm trung tâm và phát triển bền vững là nội dung xuyên suốt; chú trọng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung và bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước thành viên; hoạt động có trọng tâm, trên cơ sở phát huy thế mạnh của các nước thành viên; phối hợp hài hòa với ASEAN và các cơ chế hợp tác Mekong khác.
Trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hợp tác Mekong - Lan Thương cần tập trung vào ba nội dung chính gồm: Phối hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống dịch Covid-19 một cách thường xuyên, kịp thời và minh bạch; hợp tác sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước Mekong để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông..
Lan Phương (
Theo
VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc