Multimedia Đọc Báo in

Vụ nổ tại Beirut: "Châm ngòi" căng thẳng ở Liban

09:13, 15/08/2020
Ngày 10-8, Thủ tướng Liban Hassan Diab đã chính thức tuyên bố từ chức. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Liban Ghazi Wazni, Bộ trưởng Tư pháp Liban Marie Claude Najm đã quyết định từ chức. Các Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad, Bộ trưởng Môi trường và phát triển hành chính Liban Damianos Kattar đã có quyết định tương tự. Ngoài ra, một số nghị sĩ Liban cũng đã đệ đơn từ chức.
 
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Diab đã chính thức tuyên bố về việc từ chức của Chính phủ do ông đứng đầu. Theo Thủ tướng Diab, vụ nổ ở cảng Beirut tàn phá thủ đô và gây phẫn nộ dư luận là kết quả của nạn tham nhũng tràn lan. Thủ tướng Diab cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của người dân Liban để những người chịu trách nhiệm về "tội ác này" bị đưa ra xét xử.
 
Động thái diễn ra giữa lúc sự bất bình, giận dữ của công chúng và ngay cả trong các thành viên nội các ngày càng gia tăng sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hôm 4-8. Vụ nổ xảy ra tại nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat ở cảng Beirut, đã khiến 158 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa và thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD. Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.
 
Mặc dù Chính phủ Liban đã ngay lập tức thành lập cơ quan điều tra vụ nổ và sẽ phải có kết quả trong vòng 5 ngày kể từ ngày thành lập, đồng thời cơ quan tư pháp Liban đã bắt giữ hàng chục quan chức liên quan đến vụ nổ nhưng dường như người dân Liban không hài lòng và cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả này.
 
Vì vậy, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra hôm 8-8 ở Beirut, gây bạo loạn và đụng độ khiến ít nhất một nhân viên an ninh thiệt mạng và 490 người đã bị thương, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Người biểu tình cho rằng sự tắc trách của các cơ quan quản lý là nguyên nhân để xảy ra vụ nổ vừa qua, kêu gọi các quan chức đứng đầu như Tổng thống, Quốc hội và Chính phủ phải từ chức và chịu trách nhiệm khi để đất nước bị sụp đổ hoàn toàn.
 
Có thể thấy rằng, vụ cháy nổ đã “châm ngòi” cho căng thẳng chính trị, xã hội tại quốc gia Trung Đông vốn nhiều bất ổn này.
 
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau vụ nổ ở cảng Beirut, Liban, ngày 7-8-2020.             Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau vụ nổ ở cảng Beirut, Liban, ngày 7-8-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nhiều năm qua, Liban nổi lên là trung tâm của những bất ổn chính trị với những mâu thuẫn nội bộ, xung đột đảng phái và sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài. Các đảng chính trị ở Liban rất đa dạng và phong phú, có tới 17 giáo phái và các cá nhân trong mỗi một giáo phái lại muốn có ảnh hưởng riêng cùng với sự tác động của khu vực và quốc tế. Nước này đã từng xảy ra cuộc nội chiến từ năm 1975 đến năm 1990. Các đảng phái đã có một thỏa thuận về nguyên tắc "cùng tồn tại" và sự đại diện chính trị thích hợp của họ.
 
Tuy nhiên, giới chính trị gia nước này thường khó đạt được đồng thuận khi những lợi ích và toan tính mang màu sắc phe phái lấn át. Liban hiện có ba chức danh lãnh đạo chính là Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, được phân chia đều cho ba cộng đồng lớn nhất là Công giáo Maronite, người Hồi giáo dòng Shi’ite, người Hồi giáo dòng Sunni, dựa trên thỏa thuận từ năm 1943. Chính sự phân chia quyền lực giữa các phe phái này khiến mọi việc trở nên phức tạp và khó khăn hơn mỗi khi chính phủ cần đưa ra những quyết sách liên quan các vấn đề hệ trọng của đất nước.
 
Vụ nổ ở cảng Beirut vừa qua càng khiến cho tình hình Liban thêm trầm trọng về mọi mặt. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban cao thứ ba thế giới, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 25% và 1/3 dân số đang sống dưới mức nghèo khổ, trong khi giá cả leo thang “chóng mặt” với nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng tới 80-90%, trong khi nhiều loại thực phẩm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, cộng thêm tình trạng cắt điện thường xuyên, thiếu nước sinh hoạt an toàn, hạn chế về chăm sóc y tế và kết nối Internet luôn gặp sự cố. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến tình hình quốc gia Trung Đông này càng trở nên khó khăn. Để đối phó với dịch bệnh, Chính phủ Liban đã buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa từ giữa tháng 3 để hạn chế sự lây lan.
 
Trước tình hình trên, cộng đồng quốc tế đã có nhiều động thái hỗ trợ Liban khắc phục hậu quả. Nhiều chuyến hàng cứu trợ đã được chuyển tới Liban bao gồm vật tư y tế, thuốc men và thực phẩm hỗ trợ.
 
Liên hiệp quốc và Pháp cũng đứng ra đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về hỗ trợ Liban. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 30 quốc gia trên thế giới, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Hội Chữ thập đỏ, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng phát triển và tái thiết châu Âu.
 
Hội nghị đã nhận được nhiều cam kết từ các quốc gia, với tổng giá trị hỗ trợ lên tới gần 253 triệu euro (298 triệu USD), sẽ được phân bổ trực tiếp tới người dân Liban, dưới sự phối hợp điều hành của Liên hiệp quốc.
 
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định sẵn sàng tăng gấp đôi nỗ lực hỗ trợ Liban khắc phục hậu quả và tái thiết với điều kiện giới chức nước này phải thực hiện một số cải cách cần thiết, trong đó có các bước để khôi phục khả năng thanh toán nợ tài chính công và sự ổn định của hệ thống tài chính của Liban, cũng như các biện pháp bảo vệ tạm thời để tránh tình trạng thất thoát vốn (Trước khi xảy ra vụ nổ, Liban đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính lên đến mức đỉnh điểm hồi tháng 10-2019 khi các dòng vốn đổ về dần chững lại trong bối cảnh xã hội bất ổn vì các cuộc biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và quản lý nhà nước yếu kém).
 
Liên hiệp quốc ước tính trong 3 tháng tới, chương trình khẩn cấp hỗ trợ Liban cần 117 triệu USD cho các dịch vụ y tế, chỗ trú ẩn, phân phối thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19.
 
Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc