Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác bền vững phát huy vai trò trung tâm của ASEAN

06:01, 11/09/2020
Từ ngày 9 đến 12-9, đại diện cho Chủ tịch ASEAN 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan bằng hình thức trực tuyến.

Tham gia các hội nghị có 27 đoàn thuộc 4 châu lục với các múi giờ khác nhau. Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra khoảng 20 hội nghị và phiên họp cấp Bộ trưởng như: AMM 53; Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác (PMC+1); Hội nghị Bộ trưởng ASEAN + 3 lần thứ hai; Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10; Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự và phát biểu tại phiên khai mạc AMM 53.

Trong khuôn khổ hội nghị, AMM 53 đã đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, đặc biệt là nỗ lực của ASEAN trong việc tiếp tục hợp tác nhằm đối phó sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, việc thành lập Quỹ khẩn cấp và lập Kho thuốc và vật tư y tế ASEAN để đối phó với Covid-19 và việc hoàn tất dự thảo kế hoạch khôi phục kinh tế toàn diện của ASEAN hậu Covid-19.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53.  Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53. Ảnh: TTXVN

Các bộ trưởng ASEAN cũng bày tỏ sự hài lòng về kết quả thực thi các ưu tiên của nước Chủ tịch ASEAN 2020, như việc tổng kết kiểm điểm giữa kỳ Kế hoạch tổng thể cộng đồng chính trị - an ninh của ASEAN 2025 và dự thảo tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Hội nghị cũng thảo luận về các đề xuất xin trở thành thành viên của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của một số nước bên ngoài khu vực ASEAN; chuẩn bị nội dung cho cuộc họp cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11-2020. Hội nghị đã thông qua 2 văn kiện quan trọng gồm Tuyên bố chung của AMM 53 và Hướng dẫn về quy trình, thủ tục, tổ chức thực hiện và nghi thức của Diễn đàn Khu vực ASEAN...

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 27, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Hội nghị cũng đã thông qua một số văn kiện và nghe một số báo cáo về tiến độ tổ chức thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025; thông qua văn kiện về Ý tưởng xây dựng kho thuốc và vật tư y tế dùng cho các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng (RRMS) và Dự thảo Kế hoạch phục hồi toàn diện của ASEAN.

Tại phiên họp đặc biệt của Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước ASEAN đã thống nhất về mục đích - mục tiêu của các khung hợp tác trong khu vực là tập trung hợp tác nhằm phát triển, giải quyết đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên ASEAN cũ và mới, việc kết nối ASEAN và phát triển bền vững. Hội nghị nhất trí mọi khung hợp tác khu vực phải bổ trợ cho nhau, bao gồm việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm hay và phải đóng góp vào quá trình gắn kết ASEAN cũng như việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 và sau năm 2025.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - Hàn Quốc, lãnh đạo các bên đã đánh giá cao kết quả hợp tác trong một năm qua, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - Hàn Quốc trong giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm ba trụ cột trong xây dựng Cộng đồng ASEAN chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Về đường hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - Hàn Quốc đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, chuyển đổi kinh tế số, kết nối ASEAN, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, du lịch, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển hệ thống thành phố thông minh ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) lần thứ 21, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đánh giá cao những kết quả đáng ghi nhận của hợp tác ASEAN+3 và mong muốn sớm ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực như dự kiến trong năm, phát đi tín hiệu rõ ràng về thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, ASEAN+ 3 nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong việc trao đổi thông tin và các bài học kinh nghiệm quý, bao gồm cả việc hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc, vắc xin phòng bệnh Covid-19 và đảm bảo việc tiếp cận vắc xin...; cùng nhau hợp tác phục hồi nền kinh tế toàn diện sau Covid-19, bao gồm việc trao đổi về khả năng mở “luồng xanh đặc biệt” cho việc đi lại; tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025 (MPAC 2025); Thực hiện Kế hoạch hành động kết nối ASEAN lần thứ 3 (2016 - 2020) và lần thứ 4 (2021 - 2025); Việc chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số với trọng tâm là thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME)...

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10, các bộ trưởng đã đánh giá cao kết quả hợp tác trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc triển khai kết quả Hội nghị cấp cao EAS được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 11-2019 và việc tổ chức thực hiện 6 lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế, môi trường, quản lý thiên tai và kết nối. Về phương hướng hợp tác trong tương lai, Hội nghị nhất trí tiếp tục hợp tác thực hiện 6 lĩnh vực ưu tiên trong Khuôn khổ hợp tác EAS, đặc biệt là trong hợp tác ngăn ngừa, đối phó với đại dịch Covid-19 và việc giải quyết các tác động kinh tế hậu Covid-19. Hội nghị cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine, Myanmar...

AMM 53 và các hội nghị liên quan là một trong những đợt hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Trước những diễn biến, bất ổn gia tăng trong tình hình thế giới, trong đó có dịch bệnh, nguy cơ suy thoái kinh tế, cạnh tranh gia tăng giữa các nước lớn…, ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, an ninh và trung lập, trong đó luật pháp quốc tế được đề cao.

Hồng Hà (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.