Tranh cãi chung quanh việc loại bỏ bản quyền vắc xin COVID-19
Giữa những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều quốc gia, cộng đồng quốc tế đang dấy lên cuộc tranh cãi mới liên quan đến vấn đề bản quyền vắc xin COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bắt đầu phân phối vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước thông qua sáng kiến Covax. Tuy nhiên, trong số gần 190 quốc gia tham gia sáng kiến, khoảng 30 nước thu nhập cao đã đàm phán thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất để bảo đảm có đủ, thậm chí dư thừa, cho công dân của mình. Theo số liệu của WHO, các nước có thu nhập cao và trung bình cao, chiếm 53% dân số toàn cầu, đã nhận được 83% số vắc xin ngừa COVID-19 của cả thế giới. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp chỉ nhận được 17% tổng số vắc xin.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho giáo viên tại Los Angeles, California, Mỹ. |
Từ thực tế này, nhiều quốc gia đã đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ cho công nghệ sản xuất vắc xin để cả thế giới hưởng lợi. Lý do được đưa ra là khi vắc xin được sản xuất hàng loạt thì giá thành rẻ hơn, giúp các nước nghèo nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để chung tay sớm đẩy lui dịch bệnh.
Đầu tháng 10-2020, Ấn Độ và Nam Phi đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề từ bỏ tạm thời đối với các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin và thuốc điều trị - xét nghiệm COVID-19 nhưng không thành công. Hai nước lập luận: "Nhiều báo cáo cho thấy quyền sở hữu trí tuệ cản trở hoặc có nguy cơ cản trở việc cung cấp kịp thời các sản phẩm y tế với giá phải chăng cho bệnh nhân". Hai nước đề nghị dỡ bỏ rào cản này đến khi "công tác tiêm chủng rộng rãi được thực hiện trên toàn cầu và phần lớn dân số thế giới đều đã miễn dịch".
WTO cũng nhận được bản kiến nghị được 900.000 người cùng ký tên kêu gọi miễn bản quyền vắc xin và thuốc điều trị COVID-19 do nhóm hoạt động Avaaz gửi, trước khi Hội đồng Quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại (TRIPS) nhóm họp ngày 10-12-2020. Theo các quy định của WTO, để đạt đến quyết định trên, tổ chức này cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên. Điều đó đồng nghĩa bất kỳ một nước nào có quan điểm ngược lại cũng sẽ phá vỡ quyết định của số còn lại.
Đến nay, hơn 100 quốc gia đã ủng hộ kêu gọi này. Trong đó, Nga, nước đăng ký vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V, cũng ủng hộ. Tổng thống Vladimir Putin lý giải, đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 "không mâu thuẫn" với các quy tắc của WHO cho phép lựa chọn như vậy trong những trường hợp khẩn cấp.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đưa ra tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19, tạo điều kiện chia sẻ công thức giúp những nước nghèo có thể tiếp cận các nguồn vắc xin an toàn.
Tuy nhiên, một số nước, đứng đầu là chính phủ Đức và Thụy Sĩ đã phản đối tuyên bố của Nhà Trắng. Liên đoàn các nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm quốc tế lên án động thái của Mỹ là “đáng thất vọng”. Họ cho rằng việc từ bỏ bằng sáng chế vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không làm tăng sản lượng, cũng như cung cấp các giải pháp thực tế vốn cần để chống lại cuộc khủng hoảng y tế công cộng toàn cầu này.
Việc châu Âu có quan điểm khác với Mỹ trong vấn đề loại bỏ bản quyền vắc xin COVID-19 có nhiều lý do. Thứ nhất, phía EU không tin tưởng ý định của Mỹ và cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden mang tính truyền thông hơn là một kế hoạch thực chất. EU nhận định như vậy là do khối này đánh giá, vướng mắc lớn nhất bây giờ đối với vấn đề thiếu hụt vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt là vắc xin cho các quốc gia nghèo, đang phát triển, không nằm ở việc các hãng dược phẩm nắm giữ bản quyền mà là ở việc tắc nghẽn trong dây chuyền sản xuất cũng như việc một số nước cấm xuất khẩu vắc xin, cấm cả các thành phần quan trọng cho việc sản xuất vắc xin. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thậm chí đã chỉ trích đích danh hai nước Mỹ và Anh và cho rằng nếu Mỹ thực sự muốn đẩy mạnh việc giúp đỡ các nước khác có được vắc xin COVID-19 thì có 3 việc cần làm ngay là: gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin, chia sẻ công nghệ trong dây chuyền sản xuất và tài trợ các liều vắc xin không được sử dụng nhưng đang tồn kho tại Mỹ và Anh.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel phản đối vì một lý do khác. Bà Merkel cho rằng, do vấn đề tắc nghẽn hiện nay nằm ở khâu sản xuất nên việc loại bỏ bản quyền vắc xin sẽ chỉ mang đến lợi ích cho các cường quốc có năng lực sản xuất vượt trội như Trung Quốc, chứ không mang lại lợi ích gì cho các khu vực nghèo như châu Phi. Ngoài ra, bà Merkel cũng cho rằng trong bối cảnh vắc xin đã trở thành một vũ khí địa chính trị trên thế giới, châu Âu cần phải bảo vệ nền tảng sáng tạo và đổi mới của các công ty, trong đó bản quyền là sản phẩm cụ thể nhất.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vắc xin là sự lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Tedros cho biết: "Sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất trong việc chấm dứt đại dịch COVID-19". Ông Tedros nói: "Chúng ta không thể đánh bại đại dịch bằng cách cạnh tranh, chúng ta không thể. Nếu các bạn cạnh tranh để có nguồn lực, hoặc nếu bạn cạnh tranh để có lợi thế địa chính trị, thì vi rút sẽ thắng thế".
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc