Multimedia Đọc Báo in

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID:

Liệu có bảo đảm an toàn cho châu Âu mở cửa du lịch?

09:19, 05/06/2021

Tại châu Âu, tỷ lệ mắc COVID-19 đang có xu hướng giảm rõ rệt, song song với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa căn bệnh này đang ngày một gia tăng.

Cùng với đó, Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của Liên minh châu Âu (EU) - một công cụ được đề xuất nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7 sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, đang được kỳ vọng sẽ trở thành "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.

Kỳ vọng vào “Giấy thông hành COVID-19”

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu được tổ chức ngày 25-5 tại Brussels (Bỉ), các lãnh đạo châu Âu đã thống nhất thông qua Chứng nhận kỹ thuật số về COVID hay còn được gọi là “Giấy thông hành Covid-19”.

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID gồm 3 nội dung là chứng nhận đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng nhận không gây lây lan dịch bệnh. Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc có thể in ra giấy để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan COVID-19 của khách du lịch, như họ đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không, hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này. Về nguyên tắc, người nhập cảnh có “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” sẽ không phải trải qua thời gian cách ly khi tới một quốc gia thành viên EU khác, song vẫn có thể có ngoại lệ. Nếu tình hình dịch bệnh ở nước EU nơi họ xuất phát có chiều hướng xấu đi nhanh chóng hoặc xuất hiện một biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2, thì họ vẫn sẽ phải tuân thủ quy định cách ly thông thường. Một quốc gia EU muốn áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp này, sẽ phải thông báo tới các nước còn lại tối thiểu 48 giờ trước đó.

Trước mắt, chứng nhận này chỉ áp dụng trong nội bộ 27 nước EU, sau đó có thể được xem xét mở rộng.

Các nhà lãnh đạo EU đã hoan nghênh Chứng nhận kỹ thuật số về COVID. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” là đòn bẩy quan trọng đối với những quốc gia có nền kinh tế và việc làm phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch như Áo. Cùng chia sẻ quan điểm với ông Kurz còn có các nhà lãnh đạo của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Croatia.

Đánh giá về sáng kiến của EU, bà Gloria Guevara thuộc Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) gọi chứng nhận này "là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch trong khu vực” giúp các nước EU kịp thời đón luồng khách vào mùa du lịch hè. Điều này sẽ tạo ra động lực quan trọng cho các nền kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm, sinh kế cho người lao động, giúp các doanh nghiệp du lịch và hàng không mau chóng phục hồi.

Hơn nữa, việc áp dụng chứng nhận vắc xin có thể là biện pháp khuyến khích mọi người đi tiêm chủng. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, EU đã đạt được "những bước tiến ổn định về công tác tiêm chủng”. Bà cho biết mục tiêu của EU là tiêm chủng đầy đủ cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 7 tới. Hiện 46% dân số trưởng thành của EU đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19, trong khi 300 triệu liều nữa sẽ được bàn giao vào cuối tháng này. Nếu xu hướng này tiếp diễn, các nước EU "có thể tự tin" sẽ mở cửa trở lại một cách an toàn.

Nhân viên y tế tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Frankfurt am Main, Đức, ngày 27-5-2021.  Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại Frankfurt am Main, Đức, ngày 27-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Trong bối cảnh vấn đề phân phối vắc xin ngay cả ở châu Âu vẫn còn một số vướng mắc, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge nêu rõ có những lý do đạo đức, thực tế và khoa học khiến việc áp dụng những hình thức chứng nhận kiểu "hộ chiếu vắc xin" cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Do chứng nhận này chỉ được cấp cho những người đã tiêm đủ các mũi vắc xin ngừa COVID-19 hoặc có chứng nhận miễn dịch nên sẽ có một lượng lớn dân số châu Âu chưa thể sở hữu chứng nhận này vì chưa được tiêm vắc xin.

Những nhóm đối tượng chưa được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ phải xét nghiệm COVID-19. Song hiện các nước EU không thống nhất tiêu chuẩn chung về thời điểm tiến hành xét nghiệm COVID-19 hoặc thời gian các xét nghiệm này duy trì hiệu lực. Có nước chấp nhận giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi làm thủ tục nhập cảnh, song có nơi chỉ 24 giờ. Tại thời điểm này, các xét nghiệm kháng thể chưa được công nhận là đủ tin cậy để chứng minh về khả năng miễn dịch.

­Tiếp đến, tình hình dịch bệnh tại các nước không giống nhau và mỗi nước EU đều có toàn quyền về chính sách y tế của mình, do đó sẽ áp dụng các biện pháp y tế tùy theo các ưu tiên quốc gia. Ví dụ rõ nhất hiện nay là các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đã mở cửa sẵn sàng đón du khách Anh mà không bắt buộc cách ly trong khi các nước khác như Pháp, Đức… vẫn bắt du khách Anh dù đã tiêm vắc xin nhưng vẫn phải cách ly 10 ngày do lo ngại hiện nay biến chủng vi rút từ Ấn Độ đang lây lan nhanh tại một số vùng của Anh.

Hơn nữa, như Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders thừa nhận, hiện vẫn chưa thể chắc chắn liệu những người đã được tiêm chủng còn có nguy cơ lây lan cho người khác hay không, cũng như khả năng bảo vệ của các loại vắc xin khác nhau sẽ kéo dài trong bao lâu.

Bởi vậy, nếu không thận trọng, chứng nhận COVID-19 vô hình trung sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”, khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng trở nên khó kiểm soát hơn.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.