Thách thức trong phát triển Thương mại điện tử ở Việt Nam
Sự phát triển về hạ tầng công nghệ thông tin cùng số người sử dụng Internet, cộng với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử ở nước ta trong thời gian gần đây.
Những bước khởi đầu khả quan
Theo khảo sát của Công ty Vinalink, ở Việt Nam hiện có khoảng 9.300 trang web B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) cung cấp các hình thức mua bán thông qua việc đặt hàng trên trang web hoặc qua điện thoại với doanh thu vào khoảng 450 triệu USD, chiếm 0,5% GDP. Còn về loại hình B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), có gần 3.000 doanh nghiệp với doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD. Như vậy, làm một phép cộng đơn giản có thể thấy cả B2B và B2C đã chiếm gần 2,5% GDP.
Ngoài sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thì sự tăng trưởng về ngành nghề kinh doanh thương mại điện tử cũng mang lại một cái nhìn lạc quan. Từ hàng tiêu dùng, điện máy, sách báo cho đến các hàng hóa nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng đều có mặt trong danh mục kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam.
Đến nay, việc mua bán trực tuyến cũng không còn xa lạ với người sử dụng tại Việt Nam như giai đoạn ban đầu 2000-2005. Đa số các doanh nghiệp đều có trang web và đa số người tiêu dùng thành thị đều sử dụng Internet để tìm kiếm mặt hàng họ cần. Tuy nhiên, bên cạnh những bước đầu khả quan đó, vẫn còn một khoảng cách lớn từ việc sử dụng Internet tìm kiếm hàng hóa đến việc giao dịch trực tuyến thật sự. Thương mại điện tử ở Việt Nam còn đang mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chưa có sự phát triển chiều sâu và tạo thành sự đột phá về thị trường như tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Và những thách thức hiện hữu
Tại một số nước có nền thương mại điện tử phát triển, một “đầu tàu” thật sự sẽ hình thành từ một mô hình thành công lớn để làm định hướng thị trường cho các công ty khác học tập và tham gia. Chúng ta thường nghe các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực này nói rằng họ mong muốn công ty họ trở thành eBay hay Amazon, đó không chỉ hàm ý về độ lớn và sự thống lĩnh thị trường mà còn muốn nói đến định hướng phát triển theo mô hình của hai “ông lớn” này. Có những mô hình thành công đã được chứng minh (proven business model) sẽ là sự khích lệ cho các nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường, đó chính là chất xúc tác để thị trường phát triển bùng nổ. Một “đầu tàu” còn có thể hình thành từ những nhà phân phối lớn truyền thống đã có ngành hàng đa dạng, kinh nghiệm phong phú về phân phối, giao nhận, quản lý và quan trọng nhất là có đủ uy tín đối với người tiêu dùng. Các nhà phân phối truyền thống sau khi phát triển kênh phân phối truyền thống thành công sẽ bắt đầu đa dạng hóa thêm kênh thương mại điện tử.
Tuy nhiên ở Việt Nam, sau 10 năm phát triển ngành này, chúng ta vẫn còn chưa có được một mô hình thành công lớn đã được thị trường chấp nhận. Trước năm 2010, các nhà phân phối lớn vẫn đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng mô hình kinh doanh truyền thống nên chưa quan tâm nhiều đến thị trường trực tuyến. Bắt đầu từ năm 2010, đã có xu hướng lên mạng của các nhà phân phối lớn (PNC, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động…). Hy vọng trong thời gian tới, xu hướng này sẽ tạo được những đầu tàu cho Việt Nam.
Hiện tại thương mại điện tử trong nước vẫn chưa đạt được mục tiêu giải quyết rốt ráo bài toán lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng: dễ dàng và nhanh chóng tìm được bất kỳ món hàng mong muốn nào (nhờ tính rộng mở của Internet, không bị giới hạn về địa lý và thời gian) với giá rẻ nhất và chất lượng tốt (doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí cho hệ thống phân phối nên sẽ giảm giá cho khách hàng). Các doanh nghiệp trong ngành này tại Việt Nam gặp khó khăn khi giảm giá vì rủi ro kinh doanh còn lớn. Nếu không áp dụng hình thức thanh toán điện tử mà áp dụng hình thức giao hàng - nhận tiền (cash-on-delivery, COD) thì doanh nghiệp thường phải đối mặt với đơn đặt hàng giả và phải chịu chi phí lớn cho những cuộc giao nhận không thành công này. Một nguyên nhân khác là ở Việt Nam còn thiếu các hệ thống chuẩn mực liên quan đến thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhỏ khi lên mạng còn gặp rất nhiều khó khăn về độ an toàn, bảo mật, gian lận thẻ tín dụng, kinh nghiệm về quản lý hàng hóa và giao nhận… Hiệp hội Thương mại Điện tử và Bộ Công Thương đã nỗ lực đưa ra hệ thống chuẩn mực TRUSTVN (http://www.trustvn.org.vn/) với mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng đến nay hệ thống này vẫn mang tính tham khảo nhiều hơn là được áp dụng rộng rãi.
Chính vì những khó khăn và rủi ro kinh doanh cốt lõi như vậy mà các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam chưa thể mạnh dạn giảm giá cho khách hàng đầu cuối và ngược lại, các khách hàng đầu cuối cũng chưa có sự tin tưởng vào chất lượng của giao dịch trên mạng.
Ý kiến bạn đọc