Multimedia Đọc Báo in

Những bước tiến trong việc chinh phục khoảng không vũ trụ

17:49, 13/04/2011

Chinh phục khoảng không vũ trụ là một trong những trang chói lọi và đáng ghi nhớ nhất của lịch sử thế kỷ XX. Chuyến bay vào vũ trụ ngày 12-4-1961 của Yury Gagarin đã mở ra kỷ nguyên du hành vũ trụ. Đối với nước Nga, tất cả những gì liên quan đến vũ trụ không chỉ là ưu tiên truyền thống, mà còn là niềm tự hào quốc gia. Chính những người Nga như Tsiolkovsky, Korolyov, Gagarin đã hiện thực hóa ước mơ lâu đời của con người là chinh phục khoảng không vũ trụ, mở ra những triển vọng to lớn cho việc phát triển khoa học kỹ thuật của thế giới.

Ngành du hành vũ trụ Nga đã trải qua con đường đầy khó khăn, từ những chuyến bay có người lái và các trạm du hành vũ trụ đầu tiên đến các trạm vũ trụ nhiều chức năng.

Ngày 4-10-1957, từ sân bay vũ trụ Baikonur, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất đã được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa đẩy R-7. những chuyến bay thành công của các vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất đã cho phép tiến sát đến việc giải quyết nhiệm vụ vĩ đại chưa từng thấy khi đó: chuẩn bị chuyến bay của con người vào vũ trụ. Người tổ chức và cổ vũ cho việc thực hiện nhiệm vụ thế kỷ trên là Viện sĩ Sergey Pavlovich Korolyov – người đặt nền móng cho khoa học vũ trụ thực tiễn. Việc tạo ra tên lửa xuyên lục địa đầu tiên, tên lửa đẩy cho các tàu vũ trụ, các vệ tinh đầu tiên, các trạm vận hành tự động giữa các hành tinh “Luna”, “Venera”, “Mars”, “Zond” là các đỉnh cao rõ rệt nhất trong hoạt động sáng tạo của viện sĩ S.P.Korolyov.

Trong khuôn khổ chương trình “Vostok”, ngoài chuyến bay của Yu. Gagarin, còn có thêm năm tàu vũ trụ có người lái, được phóng vào không gian. Trong đó, ngày 6-8-1961, con tàu vũ trụ “Vostok-2” đã được khởi hành cùng với nhà du hành vũ trụ German Titov. Chuyến bay của ông kéo dài hơn một ngày đêm.
Kinh nghiệm thiết kế – chế tạo tàu Vostok đã được áp dụng vào việc chế tạo tàu vũ trụ nhiều chỗ “Voskhod”. Phi hành đoàn được bố trí vào trong khoang hạ cánh mà không cần mặc bộ quần áo du hành vũ trụ. Trong thời gian bay của tàu “Voskhod-2”, khởi hành ngày 18-3-1965, phi công vũ trụ A. Leonov là người đầu tiên trên thế giới đã được bước ra ngoài khoảng không vũ trụ.

Các con tàu “Soyuz” đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển tiếp theo các chuyến bay có người lái. Tàu vũ trụ thế hệ thứ hai “Soyuz” được thiết kế gồm ba chỗ, phục vụ nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả tiếp cận và kết nối tự động và không tự động với tàu khác. Ngày 6-6-1971, tàu vũ trụ có người lái “Soyuz-11” cùng các nhà du hành vũ trụ G. Dobrovolskyi, V. Volkov và V. Patsaev đã được phóng lên vũ trụ. Sau một ngày đêm bay, khi tàu kết nối được với trạm vũ trụ, phi hành đoàn đã chuyển sang trạm và liên kết “Salyut-Soyuz” trở thành trạm nghiên cứu khoa học có người lái đầu tiên trên quỹ đạo. Từng tham gia công việc tại một trong các trạm quỹ đạo còn có nhà du hành vũ trụ Việt Nam Phạm Tuân, người đã bay vào vũ trụ trên con tàu “Soyuz-37” cùng nhà du hành Liên Xô Viktor Gorbatko vào ngày 23-7-1980.

Yury Gagarin trong cabin của con tàu vũ trụ Vostok. (nguồn: Internet)
Yury Gagarin trong cabin của con tàu vũ trụ Vostok. (nguồn: Internet)

Tháng 2-1986 đánh dấu sự bắt đầu 15 năm vận hành của trạm vũ trụ nổi tiếng “Mir”. Môđun chính của trạm đã được đưa lên quỹ đạo. Tổng khối lượng trạm vũ trụ trên quỹ đạo là gần 136 tấn. Trong quá trình vận hành trạm vũ trụ “Mir”, nhiều kỷ lục thế giới tuyệt đối về thời gian bay trong vũ trụ đã được thiết lập (Valeriy Poliav – 438 ngày đêm). Trạm “Mir” đã thực hiện một khối lượng lớn các thử nghiệm và nghiên cứu trong tất cả các hướng truyền thống của khoa học vũ trụ, đã triển khai được một vài chương trình quốc tế lớn. Tổng số người đã có mặt trên trạm vũ trụ “Mir” là 104 người đến từ 11 quốc gia.

Các công việc đã được thực hiện trên các trạm vũ trụ “Salyut” và “Mir” của Nga là nền tảng công nghệ cho việc xây dựng thành công trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bởi các quốc gia hàng đầu về khoa học vũ trụ trên thế giới, trạm có người làm việc thường xuyên độc nhất trên quỹ đạo gần trái đất. Tham gia chế tạo ISS ngoài Nga còn có các nước Mỹ, Nhật Bản, Canada và các nước tham gia Cơ quan vũ trụ châu Âu, bởi vì hợp tác trong vũ trụ là hướng đi chính cho việc phát triển khoa học vũ trụ thế giới, chịu chi phối bởi nhu cầu khách quan.

Năm 2011 được chọn là Năm Vũ trụ Nga. Trong năm nay, Nga dự kiến thực hiện một loạt các dự án trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ như: tiến hành toàn diện xây dựng sân bay vũ trụ mới của Nga mang tên Vostochny tại tỉnh Amur và bệ phóng đầu tiên với các cơ sở hạ tầng kèm theo; phóng lên quỹ đạo gần trái đất khoảng 50 thiết bị vũ trụ. Bên cạnh đó, trong năm nay sẽ thông qua một chương trình phát triển hệ thống vệ tinh định vị Glonass đến năm 2020 và đây là phần rất quan trọng của toàn bộ các chương trình vũ trụ của Liên bang Nga. Ngoài ra, Nga cũng sẽ thành lập bệ phóng tên lửa vũ trụ có khả năng phục vụ các chuyến bay lên quỹ đạo gần trái đất và thám hiểm Mặt trăng và sao Hỏa. Trong giai đoạn từ năm 2015-2018 dự kiến sẽ thực hiện các thí nghiệm bay của hệ thống này.

Các hoạt động vũ trụ không được hướng đến việc đưa vũ khí vào vũ trụ, đối đầu quân sự và biến vũ trụ thành nơi có thể phô diễn các hoạt động quân sự. Vì vậy, ngăn chặn triển khai vũ khí trên vũ trụ là một trong các ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.

Nga đã kiên trì tuân thủ đường lối ký kết luật quốc tế toàn diện về các vấn đề này. Với lập trường mang tính nguyên tắc trên, ngày 12-2-2008, tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneve đã được bổ sung dự thảo Nga – Trung và Hiệp ước về phòng chống bố trí vũ khí ngoài không gian, phòng chống sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với vật thể ngoài không gian.

Phát triển ngành tên lửa – vũ trụ đã và đang là ưu tiên chiến lược trong chính sách của Nhà nước Nga. Hiệu quả công việc của ngành này chi phối trực tiếp đến các thành công của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh, sự phát triển khoa học và quốc phòng Nga. Và hôm nay mối quan tâm sâu sắc nhất đang được dành cho các vấn đề hiện đại hóa ngành tên lửa – vũ trụ, phục hồi tiềm năng khoa học kỹ thuật của ngành này, phát triển các nghiên cứu cơ bản và thực tiễn.

Yu.Materiy
(Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng)


Ý kiến bạn đọc