Gia cố sinh học biện pháp phòng chống thiên tai hiệu quả và lâu dài
Sự gia tăng mức độ gây hại của thiên tai trong những năm qua ở Tây Nguyên đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở nơi đây. Nhiều biện pháp tích cực phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại đã được đưa ra, được các địa phương áp dụng với sự cố gắng từ nội lực kết hợp với đầu tư giúp đỡ của Trung ương. Thế nhưng, xem ra lũ lụt, hạn hán,… vẫn hoành hành, gây thiệt hại và khó khăn không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Tây Nguyên. Theo kết quả nghiên cứu về các yếu tố tự nhiên như: Khí hậu, địa chất thổ nhưỡng, thảm phủ thực vật, đặc điểm dòng chảy thì ở Tây Nguyên có thể áp dụng được nhiều biện pháp phòng chống thiên tai có hiệu quả mà trong đó biện pháp gia cố sinh học được xem là có những ưu điểm vượt trội bởi nó mang tính bền vững lâu dài và gắn kết được với nhiều lợi ích kinh tế xã hội khác. Có hai hình thức trong thực hiện biện pháp gia cố sinh học là: Khoanh nuôi, phục hồi nơi rừng có thể tái sinh và trồng rừng nơi đất trống đồi núi trọc.
Khoanh nuôi, phục hồi rừng trong điều kiện nhiệt đới ẩm, nơi có cây tái sinh là biện pháp khả thi và rẻ tiền. Nó khá phù hợp với Tây Nguyên bởi nơi đây có địa hình phức tạp, phân bố dân cư còn thưa, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi cho sự sinh trưởng của nhiều loại cây, trong khi hệ thực vật ở các khu rừng khá phong phú với nhiều hệ - loài có khả năng tái sinh cao và phát triển nhanh; tập quán sinh hoạt và sản xuất đồng bào các dân tộc ở đây đã có sự gắn kết chặt chẽ, lâu dài với thiên nhiên. Những nơi nên chọn để khoanh nuôi, phục hồi rừng là các đỉnh núi, chỏm đồi, nơi đầu nguồn các sông suối. Khi khoanh vùng, cần phải dựa vào kết quả phân tích đặc điểm khí hậu thủy văn, nhất là sự phân bố mưa, nhiệt, ẩm, dòng chảy; xem xét kỹ mức độ lũ lụt hằng năm cũng như khả năng tái sinh của rừng. Có một thực tế ở Tây Nguyên là tình trạng phá rừng làm nương rẫy tăng mạnh trong những năm cuối của thế kỷ 20, nay vẫn chưa thuyên giảm. Việc khai thác rừng vượt ra ngoài phạm vi cho phép, lạm dụng khai thác ở những nơi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang làm đất rừng co hẹp nhanh chóng và khó có điều kiện tái sinh. Mặt khác rừng vẫn bị cháy với hàng trăm, hàng ngàn ha mỗi năm mà nguyên nhân một phần do những diễn biến cực đoan của thời tiết nhưng phần lớn vẫn là do sự thiếu ý thức hoặc vô trách nhiệm hoặc cố ý của một số người mà nay vẫn chưa có những biện pháp ngăn chặn triệt để. Để rừng phục hồi, cần tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm việc chặt phá, đốt rừng; khi rừng đã bắt đầu khép tán cần có biện pháp nuôi dưỡng để rừng phát triển nhiều tầng, nhiều lớp…
Khoanh nuôi, phục hồi rừng là biện pháp khả thi và mang lại hiệu quả cao. (Ảnh: T.L) |
Trên mỗi lưu vực sông, tùy mức độ xung yếu và đặc điểm mưa sinh dòng chảy mà chọn vị trí và diện tích cần trồng. Việc phân chia cấp xung yếu cho lưu vực được tiến hành trên cơ sở kết hợp phân tích nguy cơ thiên tai (lũ, lũ quét, sạt lở đất,…) và bản đồ phân loại thảm thực vật theo chức năng phòng hộ. Có thể chia thảm thực vật làm các mức như: Xung yếu đến rất xung yếu là những khu vực đất trống, đồi núi trọc, rừng cây bụi, cỏ thưa hoặc các khu vực trồng cây ăn trái, cây công nghiệp chưa khép tán; Ít xung yếu là những khu vực có rừng hai tầng tán trở xuống, rừng trồng cây công nghiệp đã khép tán, rừng tre nứa, rừng non mới phục hồi; Không xung yếu và An toàn là khu vực có rừng 3 tầng tán.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tỷ lệ che phủ của rừng phải đạt từ 50 - 70% mới bảo đảm độ an toàn về môi trường; diện tích rừng chuyên phòng hộ phải đạt trên 30% diện tích lưu vực sông. Đối với các lưu vực sông suối nhỏ miền núi nước ta thì tỷ lệ rừng hợp lý để hạn chế khả năng sinh lũ lớn phải đạt trên 40%. Số đai rừng được xác định dựa vào tỷ lệ rừng cần thiết và độ rộng cần thiết của mỗi đai. Do mục đích ngăn dòng chảy mặt, hạn chế xói mòn nên đai rừng càng rộng càng tốt, tuy nhiên cũng cần lưu ý đến đất cho sản xuất và các mục đích khác. Vị trí đai rừng được bố trí phụ thuộc vào dạng mặt dốc và theo hình thức đường đồng mức: Mặt dốc lồi, phần chân dốc thường có độ dốc lớn nên các đai tập trung ở chân dốc; mặt dốc lõm, phần độ dốc tập trung ở đỉnh nên các đai thường được bố trí ở ngay gần đỉnh; mặt dốc hỗn hợp các đai rừng nên bố trí trực tiếp ngoài thực địa.
Cây được lựa chọn để trồng rừng hạn chế thiên tai nói chung, phòng lũ nói riêng cũng cần chọn lọc kỹ nhằm bảo đảm các điều kiện như: thích hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu nơi trồng; phải có tán dày, rộng, cành lá rậm rạp; có bộ rễ phát triển sâu, rộng và cố định để tạo điều kiện nước thấm sâu; có khả năng mọc nhanh, sinh trưởng mạnh, tái sinh tốt và mọc lâu năm; chịu được đất xấu, nghèo và khô hạn. Tạo rừng phòng hộ, chống lũ nhất thiết phải tạo rừng hỗn giao, nhiều tầng giữa cây lớn và cây bụi; phải trồng dày mới phát huy được tác dụng phòng hộ.
Trong nhiều biện pháp phòng chống thiên tai còn có biện pháp công trình như xây các hồ chứa để điều tiết lũ trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô; xây dựng hệ thống đê ngăn nước lũ… Tuy nhiên, ở Tây Nguyên do địa hình chia cắt mạnh, đa số là các sông suối nhỏ nên mỗi công trình chỉ phát huy tác dụng trong phạm vi và mức độ rất nhỏ. Hơn thế, mọi loại vật liệu: bê tông, gạch, đá, gỗ, đất… đều bị phá hỏng dần nên hiệu quả công trình bị giảm theo thời gian và đòi hỏi phải đầu tư lớn để xây dựng và tu bổ. Vậy nên biện pháp gia cố sinh học được xem là có ưu thế vượt trội, rẻ tiền, bền vững trong phòng chống thiên tai và bảo đảm duy trì cải tạo môi trường sống.
Ý kiến bạn đọc