Multimedia Đọc Báo in

Chợ công nghệ và thiết bị vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2011: Cơ hội phát triển và liên kết khoa học - công nghệ vùng

09:34, 19/07/2011

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường Khoa học và công nghệ (KH-CN) đã được Chính phủ phê duyệt, từ ngày 19 đến 22-7, Bộ KH-CN, UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2011 (TechMart QuảngNam 2007) tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Techmart lần này được tổ chức đồng thời với Hội nghị giao ban vùng trong khuôn khổ phân chia của Bộ KH-CN, gồm 11 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak và Dak Nông.

Techmart là hình thức quan trọng để thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là: xây dựng và hoàn thiện các thể chế cơ bản của thị trường công nghệ; thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ; phấn đấu mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ hằng năm đạt bình quân 10%. Đây cũng là những mục tiêu tạo “nhịp cầu nối” để đưa khoa học vào cuộc sống.

Năm 2003, Techmart Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia. Sự kiện này được xem như là một cú hích quan trọng đối với sự phát triển KH-CN. Và từ đó đến nay, rất nhiều Chợ công nghệ và thiết bị được tổ chức hằng năm và nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ của nhà quản lý, nhà khoa học và các nhà sản xuất, kinh doanh.  Nếu như trong Techmart năm 2003, các đơn vị nước ngoài đến với Chợ chỉ đếm "trên đầu ngón tay" thì đến Techmart năm 2005 đã thu hút được 40 đơn vị nước ngoài và khách mời quốc tế, như: Hiệp hội Doanh nghiệp Nga, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan... tham gia. Đặc biệt, từ sau năm 2006, sau hàng loạt các Techmart được tổ chức thành công ở Hoà Bình, Khánh Hoà, An Giang, Buôn Ma Thuột, Hà Nam, Quảng Ninh, Bình Dương, Hà Nội,… nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm đến tham gia vào thị trường mới mẻ này ở Việt Nam.

Ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong những năm qua, hoạt động KH-CN của vùng đã thu được nhiều kết quả quan trọng và đây là vùng có nhiều tiềm năng cho phát triển KH-CN. Tuy nhiên, KH-CN chưa có nhiều phát triển đột phá do đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm, công nghệ sau thu hoạch chưa được chú trọng, việc gắn kết giữa 4 nhà (nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà kinh doanh) chưa thật sự bền vững; nhiều kết quả nghiên cứu chưa được áp dụng vào thực tế; chưa xác định và phát triển được các sản phẩm trọng điểm của vùng; các kết quả nghiên cứu chậm được áp dụng; công tác phổ biến thông tin KH-CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu và sát thực với sản xuất; tiềm lực KH-CN, nhất là nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trước tình hình đó, Techmart Quảng Nam 2011 hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội nhằm phát triển thị trường công nghệ, phát huy lợi thế địa lý của các tỉnh vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên; tăng cường liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu và triển khai, các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu; phối hợp nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN trong sản xuất và đời sống, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, khu vực trong nước, góp phần tạo môi tr¬ường liên kết KH-CN với sản xuất và kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH-CN vào sản xuất đời sống, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và sản phẩm tạo năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển; xúc tiến các hoạt động thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư, phát triển KH-CN hiệu quả.

Techmart Quảng Nam 2011 có tính chất đa ngành, quy mô quốc gia, với mục đích chính là tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức KH-CN, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân giới thiệu, quảng bá, chào bán, tìm mua các công nghệ, thiết bị tiên tiến, sản phẩm trong nhiều lĩnh vực. Thời gian diễn ra Hội chợ cũng là điều kiện thuận lợi cho những hoạt động giao lưu, đối thoại, trao đổi giữa các nhà quản lý khoa học, doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực KH-CN, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển KH-CN của các tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng. Techmart Quảng Nam 2011 tập trung các lĩnh vực quan trọng và phù hợp về công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, công nghệ sản xuất các sản phẩm làng nghề, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông; công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng,...

Sau khi có chủ trương tổ chức Techmart Quảng Nam 2011, Cục Thông tin KH-CN Quốc gia, Sở KH-CN Quảng Nam và TP. Hồ Chí Minh đã xúc tiến thành lập Ban Tổ chức, các Tiểu ban giúp việc. Trong công tác tuyên truyền, vận động,  Cục Thông tin KH-CN Quốc gia và Sở KH-CN Quảng Nam đã xây dựng các trang thông tin điện tử, hồ sơ hướng dẫn tham gia và giới thiệu tại Techmart... Đồng thời các tỉnh trong vùng đã xúc tiến công tác giới thiệu, quảng bá, vận động trên địa bàn địa phương mình. Đến nay, các cơ quan khoa học ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các Sở KH-CN, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp trong vùng đã đăng ký hơn 200 gian hàng giới thiệu các thành tựu KH-CN thuộc các lĩnh vực phù hợp với khu vực và cả nước; trong đó, có địa phương trong vùng tham gia từ 10-15 gian hàng, có địa phương ngoài vùng tham gia đến 20 gian hàng. Với phương châm "Liên kết cùng phát triển", trong khuôn khổ Techmart diễn các hội thảo, diễn đàn giao lưu đối thoại, như: Hội thảo khoa học cấp Quốc gia, do Bộ KH-CN và UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên”  nhằm tập trung đánh giá thành tựu nổi bật về KH-CN của vùng, trên cơ sở đó tìm giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của vùng, giải pháp đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học, phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu- triển khai (R&D), giải pháp xã hội hóa hoạt động KH-CN, đưa thông tin KH-CN đến với nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông” và vai trò của đội ngũ trí thức trong việc góp phần nâng cao dân trí. Ban tổ chức Hội chợ còn phối hợp Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn giới thiệu, đối thoại giữa chuyên gia Nguyễn Lân Hùng với khoảng 600 bà con nông dân, các cơ quan khoa học và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, đối với hoạt động thường xuyên là giao dịch, mua bán công nghệ, thiết bị, tất cả khách hàng đại diện cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân (phía cầu) cần tiếp xúc với các tổ chức KH-CN sẽ được chỉ dẫn và hỗ trợ về thông tin và tư vấn trong quá trình tìm hiểu, thương thảo đặt hàng, ký kết bản ghi nhớ, hợp đồng mua - bán, cung cấp, chuyển giao công nghệ và thiết bị.

Phạm Ngọc Sinh

Ý kiến bạn đọc