Multimedia Đọc Báo in

Chặng đường mười năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

09:30, 23/09/2011

Ngày 7-6-2001, Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, đánh dấu sự ra đời một tổ chức chính trị xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật trên địa bàn Dak Lak sau nhiều năm vận động và xây dựng.

Tuy nhiên, không phải đến năm 2001 mới có sự vận động thành lập Liên hiệp hội. Từ những năm đầu Liên hiệp hội Việt Nam hình thành, đã có sự vận động thành lập tổ chức này ở tỉnh ta. Những năm đó, cơ quan quản lý khoa học của tỉnh là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, gồm những người say mê với các hoạt động khoa học ứng dụng, trong đó có Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Trần Lý, kỹ sư Lê Văn Trọng, kỹ sư Bùi Thị Tân, Phó Tiến sĩ Nông nghiệp Nguyễn Mười, cử nhân Nguyễn Hữu Trí, kỹ sư Phùng Xuân Tường… và một số cán bộ khoa học ở các ngành đã có công trong việc vận động thành lập các tổ chức Hội khoa học chuyên ngành như Hội Làm vườn, Hội Nuôi ong… và đề xuất nhiều ý kiến về xây dựng tổ chức Liên hiệp hội. Tài liệu hướng dẫn về tổ chức và các thông tin cần thiết về Liên hiệp hội qua đề xuất, liên hệ của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được Liên hiệp hội Trung ương gửi đều đặn cho tỉnh. Nhưng có thể trong chừng mực nào đó, về nhận thức vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tổ chức này chưa được đầy đủ ở ngay cả những người có nhiệt tình làm công việc tổ chức vận động; mặt khác, do điều kiện về tổ chức quản lý công tác khoa học và kỹ thuật trên địa bàn lúc bấy giờ vẫn còn mới mẻ, sức vóc có hạn, không cho phép ra đời một tổ chức khoa học dân sự bên cạnh một tổ chức quản lý nhà nước có tên tương tự – theo cách hiểu hồi đó.

Mặc dù Liên hiệp hội chưa được thành lập công cuộc lập hội vẫn được tiến hành. Các hội chuyên ngành ngày một phát triển. Đầu tiên là Hội Nuôi ong, Hội Đông y, Hội Luật gia, Hội Làm vườn, đến Hội Sinh vật cảnh… Số lượng các hội ngành càng phát triển đã đặt ra yêu cầu cần có một tổ chức để cùng giúp nhau hoạt động. Sau đó, giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ và Môi trường (sau này là Sở Khoa học và Công nghệ) đã được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đứng đầu Ban vận động để thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật.

Chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp hội có thể được hình dung một phần ở những con số, sự kiện cụ thể, từ 6.000 lên trên 10.000 hội viên, từ 10 hội lên 21 hội thành viên, đáng nói hơn nữa là các con số này đang tiếp tục lớn dần. Cùng lúc với việc hình thành và hoạt động của một số đơn vị trực thuộc Liên hiệp hội (2 trung tâm ứng dụng, 2 ban chuyên môn, 1 tờ báo khoa học, 1 trang tin điện tử) là hệ thống tổ chức hội, chi hội từ các hội chuyên ngành có mặt tận cơ sở huyện, xã.

Liên hiệp hội tổ chức trao học bổng cho học sinh ở huyện M’Drak
Liên hiệp hội tổ chức trao học bổng cho học sinh ở huyện M’Drak
Từ các hoạt động tập hợp lực lượng, Liên hiệp hội và các hội thành viên đã huy động các nhà khoa học đầu ngành, các cán bộ quản lý có nhiều kinh nghiệm thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và tư vấn phản biện, giám định xã hội đối với một số dự án kinh tế-xã hội của tỉnh, phản biện các chương trình đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học cấp thiết. Còn nhớ những năm tỉnh ta tiến hành cải tạo nền nông nghiệp ở các vùng khó khăn nhất. Lúc đó, các chương trình khoa học ứng dụng phục vụ nông thôn ở các vùng xung yếu hầu như được thẩm định, đánh giá một cách toàn diện, có thể kể đến chương trình thử nghiệm và ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM trong sản xuất nông nghiệp và trong xử lý môi trường; chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một xã của huyện Buôn Đôn; chương trình đánh giá sự xuất hiện của loài móng guốc. Ngoài ra còn một số đề tài lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, địa danh, luật tục với quản lý, văn học… Những năm sau đó, phối hợp với một số viện chuyên ngành Trung ương, kết quả nghiên cứu của các công trình “Những biến đổi kinh tế – xã hội trong vùng trồng cây công nghiệp lâu năm”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Chư Jut” cũng đã được đưa vào ứng dụng. Theo yêu cầu của Thường trực HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, một số nhà khoa học chuyên ngành đã được Liên hiệp hội tập hợp khá đông đảo, tham gia sôi nổi trong chương trình phản biện “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Dak Lak đến năm 2010” và tư vấn, góp ý “Luật Ngân sách sửa đổi”, “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020”. Liên hiệp hội còn thực hiện các đề tài nghiên cứu “Một số vấn đề về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học cấp huyện, xã và lao động kỹ thuật người dân tộc thiểu số tỉnh Dak Lak”; phối hợp với Sở GD-ĐT nghiên cứu vấn đề đào tạo ở cơ sở và tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại các huyện Ea H’leo và M'Drak với tổng trị giá hơn 9,4 triệu đồng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn phản biện cũng được thực hiện tốt ở các hội thành viên. Hội làm vườn với các chương trình xây dựng buôn làng sinh thái ở xã Krông Na (Buôn Đôn); hỗ trợ đồng bào dân tộc M’Nông phát triển kinh tế bền vững ở xã Dak Phơi, huyện Lak; đưa giống bò mới phát triển ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp với đề tài “Sự tăng trưởng bền vững của rừng khộp ở xã Ea Sô, Ea H’leo”; “Xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp cộng đồng”; “Tư vấn xây dựng phương án giao đất, giao rừng ở vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin”. Hội Nuôi ong với đề tài “Thử nghiệm phương pháp sấy phấn hoa trong môi trường chân không”; “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng mật ong và sữa ong chúa”; “Một số đặc điểm dịch tễ học và phương pháp phòng trị bằng thảo dược đối với bệnh của ong” và hiện nay hội đang thực hiện một chương trình nghiên cứu, ứng dụng dài hạn trong dự án nông nghiệp cạnh tranh. Trong nhiều đề tài của hội Kiến trúc sư thực hiện, có “Kiến trúc Việt Nam – Thực trạng và xu thế”; “Giữ gìn và phát huy bản sắc trong hiện đại hóa và phát triển đô thị của TP. Buôn Ma Thuột”. Hội Châm cứu nghiên cứu “Đánh giá tác động tân châm cứu, điều trị thần kinh tọa”. Hội Đông y đi sâu nghiên cứu các loại thảo dược chữa các bệnh nan y. Hội KHKT Cầu đường thực hiện các chương trình nghiên cứu và phản biện các công trình xây dựng các tỉnh lộ. Hội Cơ khí tư vấn các giải pháp công nghệ mới phục vụ cho sản xuất công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Hội Y dược, Hội Chăn nuôi, Hội Sinh vật cảnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Tâm năng dưỡng sinh… đều bám sát các cơ sở, đặc biệt là các vùng nông thôn để có những chương trình, đề tài nghiên cứu ứng dụng sát thực với yêu cầu của đời sống cộng đồng và phát triển của xã hội.

Liên hiệp hội còn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mọi người thực hiện tốt cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật một cách có phương pháp, có hiệu quả. Liên hiệp hội đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở cấp tỉnh, cấp huyện, liên huyện; nhiều cuộc trình diễn kỹ thuật, hội nghị đầu bờ từng chuyên đề cho từng vùng, từng xã, hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi; tổ chức khám chữa bệnh, vận động kế hoạch hóa gia đình; vận động người dân chữa bệnh không dùng thuốc, tập dưỡng sinh tâm thể đẩy lùi bệnh tật, phục hồi sức khỏe… Yêu cầu thực tiễn còn nảy sinh một hình thức khá độc đáo và rất hiệu quả, đó là các hoạt động tư vấn miễn phí. Câu lạc bộ trí thức đã xếp lịch định kỳ hằng tuần tư vấn kỹ thuật sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… cho cây công nghiệp lâu năm, giúp các tổ chức sản xuất và người nông dân có chỗ giải đáp các khúc mắc, nâng tầm hiểu biết trong nghề trồng cây, chăm cây, thu hái, bán buôn sản phẩm. Hội Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc tư vấn cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe tình dục, cung cấp miễn phí các dịch vụ về sức khỏe cộng đồng…

Tỉnh ủy đã đánh giá về những hoạt động của Liên hiệp hội: … “Trong những năm qua, Liên hiệp hội đã không ngừng củng cố và phát triển, đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ; động viên nhân dân ứng dụng và sáng tạo khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống… Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã góp phần củng cố các luận cứ khoa học, tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ngành về các chương trình, dự án quy hoạch của tỉnh ngày càng có chất lượng hiệu quả; đặc biệt là về các kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn, chương trình phát triển cà phê bền vững, quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột… Vài trò của Liên hiệp hội ngày càng được nâng cao*…”.

Với quan điểm và mục tiêu “Xây dựng Liên hiệp hội tỉnh thực sự là tổ chức chính trị xã hội hoạt động có hiệu quả, đến năm 2020 trở thành tổ chức chính trị xã hội vững mạnh…”, Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra những khiếm khuyết, hạn chế của Liên hiệp hội, của các hội thành viên trong tổ chức tập hợp lực lượng, trong chất lượng hiệu quả hoạt động thiếu đồng bộ của đội ngũ… chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng với yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỉnh ủy cũng đã nêu ra những nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể thiết thực đổi mới các hoạt động để Liên hiệp hội tiếp tục phát triển.

Nguyễn Hữu Trí
(Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội)

 


Ý kiến bạn đọc