Multimedia Đọc Báo in

Nơi tập hợp, đoàn kết và phát huy sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh nhà

09:28, 23/09/2011

Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên Hiệp hội) được thành lập vào tháng 6-2001, là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong tỉnh, tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người hoạt động khoa học công nghệ, phát huy vai trò và năng lực của họ đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển của tỉnh nhà.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp hội đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng.

Khi mới thành lập, Liên hiệp hội chỉ có 11 hội thành viên với gần 6.000 hội viên, đến nay đã có 21 hội thành viên và 3 đơn vị trực thuộc với hơn 10.000 hội viên. Phần lớn các lĩnh vực hoạt động về kinh tế – xã hội và khoa học công nghệ của tỉnh đều có các hội tương ứng là thành viên của Liên hiệp hội. Một số hội đã có tổ chức và mạng lưới hoạt động sâu rộng ở nông thôn và nhiều vùng trong tỉnh (như các hội: Làm vườn, Đông y, Sinh vật cảnh, Tâm năng dưỡng sinh…).

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Liên hiệp hội và các hội thành viên, nhằm giúp hội viên và người dân nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật và áp dụng vào cuộc sống.

Liên hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, “hội nghị đầu bờ”, Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; phát hành rộng rãi, miễn phí nhiều tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn và “tờ rơi” đến các đối tượng là hội viên và nhân dân nói chung. Những vấn đề lớn và cấp thiết được đưa vào các chương trình nghị sự và triển khai nghiên cứu, ứng dụng như: phát triển nông nghiệp bền vững (nhất là đối với cà phê); bảo vệ thiên nhiên và môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng buôn làng sinh thái trong đồng bào dân tộc; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ rừng và giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong hiện đại hóa và phát triển đô thị; các kiến thức về y học cổ truyền và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc; về giảm tử vong, bệnh tật ở phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số. Hầu hết các hội thành viên đã thực hiện tốt công tác này mà nổi bật là các hội: Bảo vệ thực vật, Làm vườn, Lâm nghiệp, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tâm năng dưỡng sinh...

Hội Đông y  tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại huyện Ea Súp.
Hội Đông y tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại huyện Ea Súp.
Liên hiệp hội cũng đã xuất bản, phát hành 23 số tạp chí khoa học – kỹ thuật và lập website; tham gia với Sở Khoa học – Công nghệ trực tiếp thực hiện hoặc làm thành viên hội đồng đánh giá nghiệm thu hàng chục đề tài khoa học cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Liên hiệp hội đã tham gia tư vấn, phản biện nhiều chương trình, dự án quan trọng của tỉnh, điển hình là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2001-2010; Chiến lược phát triển khoa học giai đoạn 2005-2010 và tầm nhìn đến 2020; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010; Chương trình phát triển cà phê bền vững và chỉ dẫn địa lý thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột; Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột và phương hướng xây dựng thành Thành phố trực thuộc Trung ương; Quy hoạch các thị trấn huyện lỵ trong tỉnh. Ngoài ra, còn tham gia Hội đồng Tư vấn kinh tế-xã hội của Mặt trận Tổ quốc tỉnh; tham gia phản biện nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh…

Các Hội thành viên cũng có nhiều hoạt động tư vấn, phản biện có giá trị, được các cơ quan quản lý chuyên ngành thừa nhận. Đáng chú ý là: Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp tư vấn xây dựng phương án giao đất giao rừng ở vùng đệm vườn quốc gia Chư Yang Sin; tư vấn điều phối thực hiện Dự án hỗ trợ sau giao đất giao rừng để xóa đói giảm nghèo (do EEC tài trợ) cho một số buôn ở huyện Krông Bông và phản biện một số chương trình, dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Hội Kiến trúc sư phản biện các công trình: Bảo tàng tổng hợp, khu công nghiệp Hòa Phú, khu du lịch Ea Kao, quy hoạch trung tâm huyện lỵ các huyện. Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường phản biện các dự án tỉnh lộ 3, 8, 9. Hội Cơ khí tư vấn những giải pháp công nghệ, cung cấp thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất công nghiệp nông thôn của chương trình Khuyến công…

Từ năm 2005 đến nay, Liên hiệp hội đã hợp tác với Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận của Nhật Bản (NPOTIA) thực hiện chương trình nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh ta với mục đích là phổ biến, hướng dẫn cho người nông dân về kỹ thuật sản xuất một số loại cây trồng theo công nghệ của Nhật Bản nhằm tạo ra các sản phẩm sạch để tiêu thụ trong nước, tiến tới có thể trực tiếp xuất khẩu sang Nhật. Triển khai chương trình này, Liên hiệp hội đã thành lập Trung tâm đào tạo nông nghiệp hữu cơ, mở lớp học tiếng Nhật (miễn phí) cho gần 100 tu nghiệp sinh là con em nông dân các dân tộc trong tỉnh và đã đưa được 35 em sang Nhật để thực tập, thực hành trong thời hạn từ 1-3 năm, khi trở về có thể áp dụng những kiến thức đã học được vào sản xuất nông nghiệp. Một số loại giống mới về lúa, rau đậu, hoa, cây ăn quả của Nhật đem sang đã và đang trồng thực nghiệm, nếu phù hợp có thể đưa ra sản xuất đại trà, làm phong phú thêm mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Cũng từ chương trình này đã tạo nên một địa chỉ mà thời gian qua có nhiều nhà khoa học, sinh viên các trường đại học và các nhà đầu tư Nhật Bản đến giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu để có thể mở rộng sự hợp tác giữa ta và bạn trên nhiều lĩnh vực trong tương lai.
Ngoài các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nói trên, Liên hiệp hội và các hội thành viên luôn quan tâm, hưởng ứng các phong trào nhân đạo, từ thiện của tỉnh, như: đóng góp vào quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xóa đói giảm nghèo, làm nhà tình nghĩa; tặng học bổng và xe đạp cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Ea H’leo, M’Drak và phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột); cấp giống cây trồng, vật nuôi cho một số hộ đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt các Hội thuộc lĩnh vực y tế hằng năm đều tổ chức các đợt khám bệnh, chẩn trị, phát thuốc, tư vấn sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình miễn phí cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng căn cứ kháng khiến.

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ trí thức nói chung cũng như với Liên hiệp hội nói riêng, đặc biệt là thực hiện tốt Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16-4-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp hội tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức, tập hợp, thu hút đông đảo trí thức và những người hoạt động khoa học công nghệ tham gia tổ chức hội; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đối với đất nước, dân tộc; phát huy khả năng sáng tạo, tinh thần hợp tác trong hoạt động khoa học công nghệ. Chủ động và tích cực thực hiện công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án lớn trên các lĩnh vực có liên quan; tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh về những luận cứ khoa học trong việc hoạch định những chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển của tỉnh. Đẩy mạnh việc phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học; tổ chức phong trào nhân dân tham gia sáng tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hợp tác về khoa học công nghệ với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã trong, ngoài tỉnh và hợp tác quốc tế.

Nguyễn An Vinh
(Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc