Phát triển thương mại điện tử - xu hướng của thời đại
Thời gian qua, thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, trên bình diện chung, người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn chưa thấy hết hiệu quả mà thương mại điện tử đem lại nên vẫn còn thiếu sự đầu tư để loại hình kinh doanh này phát huy tối đa thế mạnh của mình.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Thương mại điện tử là lĩnh vực hoạt động kinh tế không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế, trong khi cách làm truyền thống khi giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, những hàng mẫu này có thể mất hàng tháng mới có thể đến được các thị trường này, dẫn đến chi phí cao và sản phẩm có thể giảm chất lượng. Do đó, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại, và Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử cũng như tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử đã mang lại những kết quả rất khả quan.
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp, thương mại điện tử có sức lan tỏa rất rộng, trong khi chi phí tương đối thấp so với các phương tiện quảng cáo khác. Khách hàng trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu các sản phẩm của doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi mà không cần phải giao tiếp với nhân viên công ty vì tất cả các thông tin liên quan trực tiếp tới sản phẩm đều được cập nhật thường xuyên qua mạng. Đại diện của một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu hàng may mặc cho biết, giao dịch điện tử đã giúp đơn vị giảm rất nhiều về thời gian và chi phí so với phương pháp kinh doanh truyền thống. Mỗi lần điều chỉnh mẫu hàng, thay đổi thiết kế sản phẩm, nhân viên của doanh nghiệp chỉ cần trao đổi qua mạng với các chuyên gia nước ngoài đến khi hai bên thống nhất về kiểu cách sản phẩm mới đi vào sản xuất.
Hiệu quả kinh tế cao
Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam nổi tiếng là tiếp thu nhanh, nhạy bén với thông tin thị trường, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực này, thể hiện qua các chủ trương khuyến khích thương mại điện tử phát triển trong thời gian qua với việc ban hành Luật Công nghệ thông tin cũng như Luật Giao dịch điện tử. Theo đó, cơ sở hạ tầng về mạng Internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung đang phát triển nhanh và nhất là các lợi ích từ thương mại điện tử đã làm cho doanh nghiệp ngày một phát triển.
Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhu cầu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp ngày càng gia tăng và trở nên cấp thiết, trong đó chi phí và hiệu quả là vấn đề thường được đặt ra. Thực tế cho thấy, thương mại điện tử có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch (giao dịch được hiểu là quá trình từ quảng cáo, tiếp xúc ban đầu, giao dịch đặt hàng, giao hàng, thanh toán). Cụ thể, thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 7% thời gian giao dịch qua fax, bằng khoảng 0,5% thời gian giao dịch qua bưu điện; chi phí giao dịch qua Internet chỉ bằng 5% chi phí giao dịch qua fax hay qua bưu điện chuyển phát nhanh; chi phí thanh toán điện tử qua Internet chỉ bằng 10-20% chi phí thanh toán theo lối thông thường. Trong hai yếu tố cắt giảm này, yếu tố thời gian đáng kể hơn, vì việc nhanh chóng thông tin hàng hóa đến người tiêu dùng mà không phải qua trung gian có ý nghĩa sống còn trong cạnh tranh kinh doanh.
Khi đề cập đến thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ tỏ ra ngán ngại do nghĩ chi phí đầu tư cao so với hiệu quả mang lại. Tuy nhiên, các chuyên gia ở khoa Thương mại điện tử (Trường Đại học Thương mại) cho biết, chỉ cần khoảng 10 triệu đồng xây dựng một website bán hàng qua mạng, và chi phí vận hành website mỗi tháng không quá 1 triệu đồng, doanh nghiệp có thể ngồi ở nhà và tìm kiếm khách hàng qua mạng, không cần phải tốn nhiều chi phí và thời gian cho những chuyến công tác xa hay đích thân xuất ngoại như đối với phương pháp truyền thống.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Thời gian qua, đã có rất nhiều các website về thương mại điện tử ra đời với các dạng doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng hay khách hàng với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lập các website riêng để phục vụ cho việc tiếp thị, quảng bá bán hàng, hỗ trợ bán hàng cũng như tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường ra khắp thế giới.
Tuy nhiên, thương mại điện tử ở nước ta chưa có những bước tiến dài do người tiêu dùng và cả doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ lợi ích của thương mại điện tử đem lại. Vì vậy, người tiêu dùng thì xem các trang bán hàng trên mạng là các trò bịp, chỉ dùng để tham khảo, còn doanh nghiệp thì làm cho có, thiếu cập nhật thông tin thực tế. Theo điều tra của Vụ thương mại điện tử (Bộ Công Thương), hiện nước ta có hơn 98,3% doanh nghiệp có website giới thiệu về doanh nghiệp mình, trong đó có đến hơn 62,5% website chỉ dùng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và chỉ có khoảng 27,4% cho phép đặt hàng qua mạng, trong đó số website có hỗ trợ thanh toán trực tuyến chỉ hơn 3,2%.
Bên cạnh đó, một hạn chế rất lớn trong thời gian qua của thương mại điện tử nước ta là thanh toán trực tuyến, bởi mấu chốt để một thương vụ thương mại điện tử thành công là phải có hệ thống bảo đảm của ngân hàng.Yêu cầu này lại càng quan trọng hơn đối với các nước nhập khẩu hàng hóa nước ta.
Do đó, để thương mại điện tử thật sự là giải pháp kinh doanh mang lại hiệu quả cao, các doanh nghiệp xuất khẩu nên liên hệ với các ngân hàng có uy tín để được họ cấp chứng nhận bảo đảm về tài chính, cũng như liên hệ với các tổ chức an ninh mạng để có chứng chỉ bảo mật, an toàn trong giao dịch điện tử.
Ý kiến bạn đọc