Khoan thám hiểm thành công hồ nước ngọt 20 triệu năm tuổi
Sau nhiều thập kỷ khoan dò tại Nam Cực, các nhà khoa học Nga đã tiếp cận hồ nước ngọt Vostok dưới độ sâu 3.768 m, hình thành khoảng 20 triệu năm trước.
Các nhà khoa học đã phải làm việc vất vả trong suốt 30 năm để có thể khoan thủng được lớp băng dày 3.7km trong nhiệt độ -80 độ C. Tuy nhiên công việc này sẽ đem lại giá trị thực sự vô cùng lớn chỉ cần con người khám phá được một nửa những bí mật nó chứa đựng.
Đội thám hiểm Nam Cực của Nga đã chạm đến mặt hồ Vostok sau hơn 30 năm làm việc. |
Hồ Vostok là hồ lớn nhất trong 145 hồ tồn tại dưới bề mặt băng Nam Cực và cũng là hồ lớn nhất trên thế giới, đã bị bao phủ bởi băng, chứa hệ sinh thái nước ngọt độc đáo, tồn tại độc lập hàng triệu năm so với môi trường và hệ sinh thái trên Trái đất. Điều đó đã khiến nó trở thành môi trường vô cùng đặc biệt mà không nơi nào trên Trái đất có được.
Theo các nhà khoa học thám hiểm Nga đang làm việc tại Nam Cực, hàm lượng oxi mà họ đo được ở đây vượt từ 10 đến 20 lần những phần khác của thế giới. Do đó bất kì sinh vật nào sống ở đây đều là duy nhất trên Trái đất và nếu tìm thấy những sinh vật dưới đáy hồ thì có thể đây chính là cuộc gặp đầu tiên của chúng ta với các sinh vật sống ngoài hành tinh, mà cụ thể là mặt trăng Europa của Sao Mộc.
Tuy nhiên tất cả còn phụ thuộc vào cách mà hồ Vostok đã hình thành từ hàng chục triệu năm trước. Nếu như nước hồ sinh ra sau khi Nam Cực đã phủ băng và tan chảy một phần trong lòng thì sẽ khó tìm ra được sinh vật nào. Nhưng nếu ngược lại, nước hồ đã hình thành từ khi Nam Cực vẫn còn là một vùng đất ấm thì nhiều điều thú vị hứa hẹn sẽ được khám phá.
Các nhà khoa học Nga bắt đầu khoan thăm dò tại trạm nghiên cứu khoa học Phương Đông ở Nam Cực từ những năm 1970 trong điều kiện nhiệt độ bình quân khoảng -66 độ C, thậm chí xuống đến -82 độ C vào ngày 21-7-1983.
Năm 1996, với sự hỗ trợ của Anh, Nga phát hiện ra hồ nước ngọt thuộc diện lớn nhất thế giới này. Xét về diện tích, nó tương đương hồ Ontario ở Canada.
Năm 1998, khi các nhà khoa học xác định còn khoảng 130 m băng nữa là có thể tiếp cận hồ nước, công việc khoan dò phải tạm ngừng để tìm ra công nghệ đặc biệt nhằm hạn chế sự ô nhiễm ở mức thấp nhất.
Sau khi Học viện Địa chất St-Petersburg chế tạo thành công công nghệ này vào năm 2003, các đoàn thám hiểm Nam Cực của Nga đã nối lại hoạt động từ năm 2005.
Các nhà thám hiểm Mỹ và Anh hiện đang tiếp tục tiến hành thăm dò những hồ nước khác nằm dưới sâu lớp băng dày của Nam Cực – những khu vực bí hiểm nhất, sâu nhất chưa từng được khám phá.
G.T (Dịch, tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc