Ứng dụng công nghệ thông tin: Doanh nghiệp nhỏ cần được hỗ trợ
Rất nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ chưa biết cách ứng dụng công nghệ thông tin ( CNTT) như thế nào và đang rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia.
Ứng dụng theo... tâm lý bầy đàn
Theo ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học DN Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DN nhỏ tại Việt Nam vẫn đang ứng dụng CNTT theo... tâm lý bầy đàn, bắt chước người khác. Rất nhiều DN thấy người ta mua sắm máy tính thì sắm theo mà không biết sắm để làm gì, có lợi ích gì cho mình. Hầu hết DN nhỏ chưa quen với việc phải có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn về tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT. Không ít cuốn sách hướng dẫn, chương trình hỗ trợ ứng dụng CNTT đã được phát hành song nhiều DN không tiếp cận được, nhất là DN ở vùng sâu, vùng xa.
Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, trên thị trường đang có rất nhiều giải pháp, công nghệ mới. Các DN rất cần tới sự hỗ trợ, tư vấn về những vấn đề cụ thể như nên mua máy tính bảng chưa; nên mua máy tính xách tay hay máy tính để bàn; mua phần mềm kế toán nào, bao nhiêu tiền; đã đủ lượng khách hàng để ứng dụng phần mềm quản trị khách hàng chưa... Song các DN nhỏ lại ít khi chịu bỏ tiền để trả phí dịch vụ tư vấn, hoặc nếu có thì cũng lo không biết tìm đến địa chỉ tư vấn nào vừa hiệu quả vừa có giá hợp lý.
Thời gian qua, vẫn có những chương trình hỗ trợ DN nhỏ ứng dụng CNTT song chỉ có tính phong trào hoặc do một vài DN lớn tổ chức với mục đích nâng cao năng lực cho các "chân rết" để tăng trưởng doanh thu.
Cần đề án quy mô quốc gia
Với vai trò "cầu nối" của cộng đồng doanh nghiệp, Viện Tin học Doanh nghiệp (VCCI) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, xúc tiến DN vừa và nhỏ ứng dụng CNTT, song đa phần là những dự án quy mô hẹp. Đáng chú ý nhất là Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển” (gọi tắt là Đề án 191), mang tầm cỡ quốc gia triển khai trên diện rộng, được thực hiện từ năm 2005 - 2010. Năm 2011, VCCI đã đề xuất Chính phủ cho triển khai giai đoạn 2 của Đề án 191 song không được phê duyệt. Như vậy, đến thời điểm này thì vẫn chưa có đề án hỗ trợ DN nhỏ ứng dụng CNTT nào ở tầm quốc gia được lên kế hoạch triển khai trong năm 2012.
Việc hỗ trợ nâng cao nhận thức cho DN về ứng dụng CNTT không đơn giản. “Đối với vùng sâu, vùng xa, rất khó tổ chức được một khóa tập huấn cho các DN. Phải đối mặt với nhiều vấn đề như ai đến dạy, lớp học đặt ở đâu, có máy móc trợ giảng không, cộng với chi phí ăn ở đi lại”, ông Lợi phân tích. Trong bối cảnh như trên, rất cần tới những dự án hỗ trợ quy mô toàn quốc từ Nhà nước nhằm giúp các DN nhỏ nâng tầm của mình. Các đề án như vậy có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng và gián tiếp tạo ra thị trường CNTT. Các đề án, dự án quy mô quốc gia sẽ lôi kéo sự tham gia của các bộ, ngành, DN, tổ chức liên quan để đạt hiệu quả cao hơn và đặc biệt là sẽ dẫn lối để các chuyên gia tư vấn chất lượng cao đến với DN.
Cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng việc hỗ trợ tư vấn cho DN ứng dụng CNTT nhiều khi không thể đo ngay được hiệu quả như xây cầu đường. “Đừng hy vọng hôm nay được tư vấn xong thì ngày mai DN có thể thu luôn 100 triệu USD. Hiệu quả đem lại của hoạt động tư vấn, nâng cao nhận thức mang tính chất gián tiếp, chủ yếu là nâng cao năng lực, có ý nghĩa rất quan trọng nhưng lại không đo đếm được. Đơn cử hiện nay dù khái niệm thương mại điện tử (TMĐT) đã được nhắc đến liên tục nhưng nhiều DN ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự hiểu thế nào là TMĐT. Việc tư vấn hỗ trợ nhận thức sẽ giúp DN dần dần hiểu và biết cách tham gia vào hoạt động TMĐT. Tất nhiên, 1 ngày sau khi được tư vấn, tập huấn, DN chưa thể bán được hàng nhưng chí ít cũng đã có mường tượng về các khái niệm cơ bản và hy vọng 5 - 10 năm sau họ có thể bán được hàng bằng phương thức TMĐT”, ông Lợi nói.
Trong năm 2012, sẽ có 2 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ứng dụng CNTT được triển khai. Một là, xây dựng, tuyên truyền và hướng dẫn mô hình ứng dụng CNTT trong DNVVN để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hướng đến 2 mục tiêu gồm xây dựng mô hình ứng dụng CNTT trong DNVVN; sản xuất và xuất bản sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn mô hình ứng dụng CNTT trong DNVVN. Hai là, nâng cao nhận thức và ứng dụng phần mềm tự do, mã mở trong DNVVN phục vụ sản xuất và kinh doanh, với mục tiêu đề xuất danh mục các giải pháp và ứng dụng phần mềm tự do, mã mở phù hợp cho DNVVN.
Nguồn ICTnews
Ý kiến bạn đọc