Ghép chồi thủy tùng trên gốc cây bụt mọc: Giải pháp bảo tồn thủy tùng khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Cuối năm 2011, thạc sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng”. Đề tài đã được Hội đồng khoa học Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá cao bởi tính ứng dụng của nó trong việc mở hướng cứu loài thủy tùng thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Vườn ươm giống thủy tùng của Tiến sĩ Trần Vinh |
Ở nước ta, Dak Lak là tỉnh duy nhất còn lại hai khu bảo tồn thủy tùng, gồm khu bảo tồn Ea Ral (Ea H’leo) còn khoảng 200 cây và khu bảo tồn Trấp Ksơr (Krông Năng) còn 30 cây. Với số lượng hiện còn ít ỏi và bị săn lùng ráo riết nên nguy cơ thủy tùng bị tuyệt chủng là rất cao. Trước thực trạng đó, từ năm 2007, thạc sĩ Trần Vinh đã bắt tay vào nghiên cứu nhân giống, bảo tồn thủy tùng. Đến đầu năm 2011, ông đã thành công trong việc nhân giống thủy tùng bằng cách ghép chồi trên gốc ghép của cây bụt mọc (Taxodium distichum). Hiện nay, những cá thể thủy tùng ghép chồi đầu tiên trồng ở môi trường tự nhiên, gồm cả đất trên cạn và đất ngập nước, đều sinh trưởng, phát triển rất tốt. Tỷ lệ sống bằng phương pháp ghép chồi đạt 70%. Tính đến trung tuần tháng 5-2012, Tiến sĩ Trần Vinh đã ươm và trồng được hơn 1 nghìn cây thủy tùng, trong đó lứa cây ươm ghép đầu năm 2011 nay đã cao 1,4 m và có đường kính gốc từ 3 – 4cm, một số cây đã ra nón (hoa và trái của loài lá kim).
Được biết, trước khi thành công ghép chồi thủy tùng với gốc cây bụt mọc, nhà khoa học Trần Vinh cũng gặp thất bại khi tiến hành ghép chồi thủy tùng với gốc cây sa mu (một trong 2 cây cùng loài với thủy tùng). Sau thất bại này, ông tiếp tục nghiên cứu và quyết định nhập hạt giống cây bụt mọc từ Mỹ về ươm, sau đó lấy gốc ghép với chồi thủy tùng được lấy từ các khu bảo tồn thủy tùng của tỉnh. Bụt mọc là loại cây có họ hàng gần gũi nhất với thủy tùng. Kết quả thật đáng mừng: Chồi ghép thủy tùng hoàn toàn tương hợp, sinh trưởng và phát triển tốt trên gốc của cây bụt mọc. Tại vị trí ghép không có hiện tượng phình chân voi, sự sinh chồi vượt ở phần gốc ghép rất ít. Sau khi được di thực từ bầu ghép ra môi trường tự nhiên, cây phát triển khá nhanh.
Từ kết quả nghiên cứu cũng như trồng thực nghiệm cho thấy, thủy tùng nhân giống theo phương pháp ghép chồi với gốc cây bụt mọc đã mở ra hướng bảo tồn loài thủy tùng hiệu quả và bền vững. Tiến sĩ Trần Vinh phấn khởi cho biết, dựa trên những thành công của đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái và nhân giống làm cơ sở bảo tồn loài thủy tùng”, năm 2013 tới đây, tỉnh sẽ triển khai Dự án bảo tồn loài thủy tùng. Hiện nay, Tiến sĩ Trần Vinh cũng đã cung cấp một số cây giống thủy tùng cho các nhà khoa học, bạn bè và bà con nhân dân địa phương trồng thử và cho thấy cây thủy tùng non phát triển khá tốt.
Bình Định
Ý kiến bạn đọc