7 sáng chế độc đáo do phụ nữ phát minh
Ngoài thiên chức cao quý, phụ nữ còn có nhiều đóng góp lớn lao cho xã hội, đặc biệt là những phát minh khoa học sáng chói làm cho cuộc sống của chúng ta ngày một dễ chịu hơn, tiêu biểu như 7 phát minh dưới đây vừa được tạp chí HowStuffWorks của Mỹ vừa tôn vinh cập nhật.
1. Cưa vòng
Cuối thế kỷ 18, một nữ thợ dệt người Mỹ, Tabitha Babbitt sống ở Massachusetts sau khi quan sát những ông phó mộc hì hục kéo cưa lừa xẻ, nhất là gia công những vị trí lõm bằng các loại cưa thông thường, họ phải dùng tới hai người, chỉ cắt được phần gỗ khi kéo ra còn hành trình ngược (kéo vào) lại bị bỏ phí. Theo Babbitt, đây là cách làm tiêu hao năng lượng một cách vô công nên bà đã quyết định bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời mội loại cưa vòng. Chiếc cưa này được lắp vào trục quay, mọi hành trình chuyển động của nó đều có ích và giúp con người gia công được những chi tiết khó khăn mà cưa truyền thống không thể làm được.
2. Bút xóa
Bette Nesmith Graham từng là nữ thư ký chuyên nghiệp, nhưng bà lại là người phát minh ra loại dịch xóa khi đánh máy rất hiệu quả mà ngày nay người ta gọi là bút xóa. Nguyên thủy, nó đựng trong lọ có tên Liquid Water. Ý tưởng ra đời Liquid Water rất tình cờ, vào một ngày nọ, Graham đứng xem thợ sơn sơn cửa sổ văn phòng, mỗi khi bị lỗi họ lại quét một lớp sơn khác để che chỗ sơn khuyết tật. Phát hiện ra nguyên lý này Bette Nesmith Graham đã nghĩa ra cách dùng chất lỏng giống như sơn để khắc phục các lỗi khi đánh máy. Ban đầu, Graham dùng máy xay sinh tố để tạo ra một hỗn hợp sơn cọ quết tempera (màu keo) có nhiệt độ thích hợp khi quét lên mặt giấy nhanh khô, sau đó đánh máy đè lên. Liquid Water là sản phẩm trí tuệ của Bette Nesmith Graham, được công nhận bản quyền năm 1958, sản phẩm bút xóa đầu tiên có tên Mistake Out được ra đời, sau đổi thành Liquid Paper và cũng là tên công ty do Graham đứng đầu. Từ con số 100 lọ ban đầu, đến 1979, Liquid Paper đã xuất xưởng 25 triệu lọ/ năm, doanh thu lên tới 47,5 triệu USD.
3. Trình biên dịch và Ngôn ngữ máy tính COBOL
Nũ đô đốc Grace Murray Hopper là người tiên phong đi đầu trong trong ngành công nghiệp máy tính. Năm 1943 bà gia nhập quân đội và sau đó công tác tại Đại học Harvard, tham gia dự án nghiên cứu máy tính Harvard Mark I của IBM, loại máy tính quy mô lớn đầu tiên của Mỹ. Hopper là người thứ ba thiết lập chương trình và soạn thảo cẩm nang vận hành cho thiết bị này. Đầu thập niên 50 ở thế kỷ trước bà là người phát minh ra các trình biên dịch, dịch các lệnh tiếng Anh thành mã máy tính. Đô đốc Hopper cũng người phát minh ra Ngôn ngữ Common Business-Oriented (COBOL), một trong những ngôn ngữ lập trình máy tính đầu tiên của nhân loại. COBOL là ngôn ngữ lập trình thế hệ ba, một trong những ngôn ngữ lập trình lâu nhất còn được sử dụng đến ngày nay, là công cụ vô cùng đắc lực cho ngành thương mại, tài chính và các hệ quản lý của các công ty, doanh nghiệp lẫn chính phủ. COBOL có rất nhiều chức năng xử lý tập tin, nhất là theo cách xử lý theo mẻ (batch) mà không hề có ngôn ngữ nào có chức năng này ngoài COBOL. Hiện tại COBOL là ngôn ngữ chạy nhiều nhất trên các máy vi tính Mainframe, hằng ngày, hàng triệu dòng COBOL được viết trong những chương trình Business.
4. Phát minh hệ thống ống khói màu tàu thủy
Năm 1847 khi mới 21 tuổi bà Martha Coston người Mỹ đã góa chồng. Một hôm khi xem lại những di vật của người chồng quá cố để lại, Martha Coston phát hiện thấy chồng mình đang thực hiện một đề tài nghiên cứu nhằm tạo ra hệ thống ống khói tàu thủy kiêm chức năng cảnh báo trong đêm tối khi đang hoạt động trên biển nhưng ý tưởng này đã bị bỏ dở. Bà Martha Coston đã quyết định bắt tay vào thực hiện nốt dự án trên, dành ra 10 năm để nghiên cứu và thực hiện dự án từ đầu, đặc biệt là cải tiến bổ xung hệ thống cấp màu. Nhân một lần xem trẻ nhỏ đốt pháo Coston đã nảy sinh ý tưởng dùng công nghệ pháo hoa vào cho hệ thống ống khói nói trên. Sau nhiều năm lao động miệt mài, cuối cùng hệ thống ống khói của Coston đã thành công đã được Hải quân Mỹ mua bản quyền và đưa vào sử dụng cho hầu hết đội tàu chiến của Mỹ hoạt động trên biển trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở Mỹ.
5. Phát minh ra túi giấy đáy vuông
Margaret Knight (1838-1914) người Boston, Mỹ được xem là "cây sáng chế" của nhân loại, với hàng chục phát minh lớn nhỏ và 22 bằng sáng chế các loại, trong số này có phát minh về túi giấy đáy vuông. Tuy chỉ là một vận dụng nhỏ song nó lại có ý nghĩa to lớn trong đời sống của con người. Năm 1870, Margaret Knight đã nghiên cứu và chế ra một chiếc máy cắt gỗ kiêm chức năng gấp vuông đáy, ép và dán keo tạo ra một bao gói có đáy vuông vức, giúp phân bố đều vật dụng đựng bên trong và làm tăng sức chứa cho bao gói. Máy gấp túi giấy đáy vuông không phải là phát minh duy nhất của Knight mà bà còn có nhiều phát minh đáng nể khác, kể như phát minh ra khung cửa sổ, máy dập số, dụng cụ khoan lỗ tự động và trục quay cho máy khâu... Tổng số sáng chế của Margaret Knight chính xác là 89. Với những phát minh này, Margaret Knight đã thu về rất nhiều tiền song phần lớn bà đều dành cho mục đích từ thiện và nghiên cứu khoa học nên năm 1914, trước khi qua đời tài sản của bà chỉ còn vẻn vẹn 300 USD.
6. Phát minh ra máy rửa bát
Nhiều người cho rằng máy rửa bát ắt hẳn phải do những người sành nội trợ, "thạo nghề" phát minh nhưng không, chiếc máy rửa bát đầu tiên của nhân loại lại do một phụ nữ rất ít khi làm nghề này nhưng lại có sở thích sưu tầm gốm sứ, đó là bà Josephine Cochrane (1839 - 1913) ở Ashtabula, Ohio (Mỹ). Việc ra đời máy rửa bát đối với bà Josephine Cochrane cũng rất hy hữu bởi Josephine Cochrane thấy xót ruột mỗi khi bát chén cổ Trung Quốc bị vỡ do sơ ý khi rửa. Năm 1883, sau khi chồng bà qua đời để lại một món nợ khổng lồ. Thay vì bán các đồ gốm sứ Trung Quốc mà bà yêu quý, Cochrane đã tập trung trí tuệ vào việc phát minh ra chiếc máy rửa bát và cuối cùng bà đã thành công. Ban đầu, chiếc máy rửa bát của Cochran vận hành thủ công sau đó tiếp tục được cải tiến hoàn thiện, sau đó bà đã thành lập một công ty chuyên sản xuất máy rửa bát với thương hiệu KitchenAid nổi tiếng được mọi người biết đến.
7. Thuốc Nystatin
Những năm 40 ở thế kỷ trước bà Rachel Fuller Brown và Elizabeth Lee Hazen người Mỹ đều làm việc cho Sở Y tế bang New York. Trong khi Hazen ở lại làm việc tại New York thì bà Brown lại được điều động sang Albany. Tại New York, bà Hazen đã tiến hành các thử nghiệm mẫu đất để tìm ra các sinh vật có bên trong gây phản ứng với nấm, nếu phát hiện thấy các sinh vật này Hazen sẽ đóng vào chai gửi đi cho Brown để thử nghiệm tiếp tìm ra thủ phạm gây phản ứng nhiễm độc. Ngược lại, nếu Brown tìm thấy các thành phần hoạt hóa thì bà sẽ tiến hành thử nghiệm kỹ lưỡng. Nếu vi sinh giết chết nấm, người ta sẽ biết được mức độ độc tố. Hầu hết các mẫu này đều cho thấy mức độ độc tố đối với con người. Cơ chế làm việc nói trên cuối cùng đã giúp hai người phụ nữ này tìm ra một loại thuốc diệt nấm hiệu quả vào năm 1950 và được đặt tên là Nystatin, viết tắt theo tên gọi bang New York. Ngày nay, loại thuốc nói trên được thương phẩm với nhiều tên gọi khác nhau dùng để trị bệnh nhiễm nấm gây ảnh hưởng đến da, âm đạo và hệ thống tiêu hóa của con người.
Duy Hùng
(Theo HSW-11/2012)
Ý kiến bạn đọc