Multimedia Đọc Báo in

Ba công trình nghệ thuật kỳ vĩ nhất tạc vào núi đá ở Mỹ

09:20, 09/03/2013

Tạp chí eHow của Mỹ vừa bình chọn và công bố danh sách Ba công trình nghệ thuật vĩ đại nhất tạc vào núi đá (The Three Largest Monuments Carved Into Mountains). Theo eHow, đây là những sản phẩm kỳ vĩ nhất nước Mỹ, mang đậm nét sáng tạo làng nghề, là điểm đến du lịch hấp dẫn và “cỗ máy in tiền” của người Mỹ hiện nay.

1. Núi Rushmore (Mount Rushmore)

Mount Rushmore, khu tưởng niệm quốc gia ở Pennington, bang South Dakota (Mỹ) là một tác phẩm điêu khắc được tạc vào khối đá granite khổng lồ trên Mount Rushmore, gần thành phố Keystone. Đây là sản phẩm của nghệ nhân Gutzon Borglum và con trai ông, Lincoln Borglum. Công trình vĩ đại này thể hiện bốn gương mặt Tổng thống Hoa Kỳ với chiều cao 60 foot (18 m), từ trái sang phải lần lượt là George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Khu tưởng niệm có diện tích rộng 517 km2 và cao 1.745m so với mặt nước biển. Được biết, nhà sử học bang South Dakota, Doane Robinson chính là người đưa ra ý tưởng đầu tiên cho công trình này nhằm thúc đẩy du lịch trong vùng phát triển. Ban đầu, Robinson muốn tạc tượng ở  Needles nhưng nghệ nhân Gutzon Borglum lại góp ý nên chọn vùng Mount  Rushmore do có diện tích lớn hơn, mặt núi quay về hướng Đông Nam, nhận được nhiều ánh sáng mặt trời. Phương án này cũng nhận được sự đồng tình của dư luận, của Chính phủ lẫn Quốc hội Mỹ ủng hộ. Bản thân Borglum ngay từ đầu khi nhìn thấy ngọn Rushmore đã xác định rằng đây mới đích thực là nơi dùng để tạc tượng. Quốc hội Mỹ cho phép dự án được bắt đầu từ ngày 3-3-1925. Riêng Tổng thống thì yêu cầu ngoài tượng Washington nên phác thảo thêm chân dung hai vị Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Dự án chính thức khởi công ngày 4-10-1927 và hoàn thành vào ngày 31-10-1941. Trong thời gian tiến hành, Gutzon Borglum qua đời vào tháng 3-1941, con trai của ông là Lincoln Borglum đã tiếp tục công việc này. Ý tưởng ban đầu là tạc bốn vị Tổng thống từ đầu xuống thắt lưng nhưng do thiếu kinh phí nên công việc chạm khắc buộc phải bớt đi một số hạng mục và hoàn thành sớm hơn so với tiến độ ban đầu. Trong 14 năm nghệ nhân Gutzon Borglum đã  cùng trên  400 công nhân tạc xong 4 bức tượng khổng lồ của 4 vị Tổng thống, trong đó Lincoln (Tổng thống thứ 16) tượng trưng cho sự tự do; Washington (Tổng thống đầu tiên) tượng trưng cho sự đấu tranh giành độc lập; Jefferson (Tổng thống thứ 3) tượng trưng cho nền dân chủ và Roosevelt (Tổng thống thứ 26) tượng trưng cho sự bảo vệ thiên nhiên. Tất cả bốn vị này đều là biểu trưng cho lịch sử 150 năm đầu tiên của nước Mỹ. Ban đầu người ta dự định tạc tượng Thomas Jefferson về phía bên phải của tượng Washington, nhưng sau khi tiến hành chạm khắc, người ta thấy khối đá đang làm không phù hợp nên đã phá nổ khối đá mang hình Jefferson này và tạc một bức tượng khác bên trái tượng Washington.. Toàn bộ dự án tiêu hết gần 1 triệu đô la Mỹ, 90%  diện tích núi đá được tạc bằng cách dùng thuốc nổ dynamic với trên 450.000 tấn đá được vận chuyển vào ra, đặc biệt, trong suốt 14 năm xây dựng dự án không hề có một tai nạn gây chết người nào xảy ra.

Vào ngày 15-10-1966, Mount  Rushmore được đưa vào Danh sách Di tích Lịch sử Quốc gia Mỹ. Hiện nay công trình này do Trung tâm Dịch vụ Công viên Quốc gia (National Park Service) quản lý và khai thác, được xem là một trong số những địa danh du lịch hấp dẫn nhất nước Mỹ cũng như thế giới hiện nay, riêng năm 2010 đón tới 14,7 triệu lượt khách.

2. Stone Mountain

 Stone Mountain (tạm dịch Núi Hòn Đá) là một công trình tượng tạc trên lưng chừng núi đá khổng lồ thuộc địa phận bang Georgia của Mỹ. Trên ngọn núi này khắc hình của 3 vị anh hùng miền Nam nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Nội chiến (1861-1864) đó là Jefferson Davis (Tổng thống các tiểu bang miền Nam Confederate), Tướng Robert E. Lee (Tư lệnh quân đội) và Tướng Thomas Jackson (Phó tư lệnh). Tượng khắc trên đá gồm 3 người đang cưỡi ngựa, được khắc sâu vào đá tới gần 4 mét. Đây là thành quả của rất nhiều nghệ nhân cũng như thợ thủ công trong một thời gian dài. Bắt đầu từ ý tưởng của bà Helen Plane, Chủ tịch Tổ chức phụ nữ United Daughters of The Confederacy (UDC) đề xướng năm 1909 với ý định tạc tượng vinh danh vị tướng Robert E. Lee, nhưng ý tưởng này đã bị bỏ dở vào năm 1925. Nghệ nhân khắc thứ hai tiếp tục công trình là Augustus Lukeman, ngoài Tướng Robert Lee, Lukeman thêm 3 người nữa là Jefferson Davis, Thomas Jackson và một người da đen dẫn đường. Năm 1928, công trình lại  bị bỏ dở một lần nữa. Mãi đến năm 1963, ông Walker Hancock bắt đầu tiếp tục công việc này. Năm 1972 công trình điêu khắc hoàn tất với diện tích khắc trên đá là 3 mẫu Anh, cao trên 400 feet (120 mét) so với mặt đất. Nếu so với Mount Rushmore, Stone Mountain không hoành tráng bằng nhưng lại mang tính độc đáo, đặc biệt bởi được tạc trên một hòn đá duy nhất. Công trình tượng này nằm trong vùng khí hậu ôn hòa mát mẻ, lại là địa danh linh thiêng huyền bí của người da đỏ, nên nó đã trở thành địa danh du lịch tâm linh, lịch sử và sinh thái hấp dẫn ở miền Nam nước Mỹ.

3. Đài tưởng niệm Crazy Horse Memorial

Crazy Horse Memorial (Tạm dịch: Ngựa núi giận dữ, hay Ngựa điên) là đài tưởng niệm anh hùng da đỏ Crazy Horse được tạc trên núi Black Hills, vùng đất thiêng liêng của bộ tộc người da đỏ Lakota. Crazy Horse là vị lãnh tụ quân đội liên minh của nhiều bộ lạc da đỏ chống người da trắng hồi thế kỷ 19. Có thông tin cho rằng, sau khi tượng đài Mount Rushmore hoàn thành đã gây tranh cãi trong bộ tộc Lakota nên Crazy Horse Memorial đã được ra đời để làm “đối trọng” cho công trình Mount Rushmore. Crazy Horse Memorial là tác phẩm của nghệ nhân Korczak Ziolkowski, người đã cảm phục câu nói “quê hương tôi là nơi tôi được chôn cất” của vị anh hùng Crazy Horse (nguyên văn:  My lands are where my dead lie buried..). Xúc động trước lời nói này, Ziolkowski đã dành trọn đời mình cùng vợ và 10 người con xây dựng thành công công trình này trong suốt 6 thập kỷ, từ chối mọi sự đóng góp của Chính phủ, với số tiền trợ cấp dự trù ban đầu là 10 triệu USD. Công trình rộng 195 mét và cao 172 mét, Ziolkowski hy vọng sẽ là một công trình tư nhân đầu tiên của nhân dân dùng cho mục đích văn hóa, du lịch. Năm 1982, Korczak Ziolkowski mắc bệnh qua đời, vợ và các con ông vẫn tiếp tục công việc và đến nay mới xong phần đầu cao chừng 27 mét.

Khắc Hùng

(Theo Net/eHow-10/2012)


Ý kiến bạn đọc