Một tiểu hành tinh tiếp cận gần trái đất
Các nhà thiên văn học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA vừa ra thông báo, vào ngày 31-5 này, một tiểu hành tinh sẽ bay ngang qua quỹ đạo của trái đất ở một khoảng cách gần nhất có thể.
Tiểu hành tinh này được đặt tên là 1998 QE2, có đường kính 2,7 km và dự đoán sẽ tiếp cận địa cầu ở khoảng cách 5,8 triệu km, tương đương 15 lần khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng.
Hai kính thiên văn học khổng lồ sẽ được các nhà khoa học đưa vào sử dụng để quan sát 1998 QE2 là: Kính thiên văn Goldstone, có đường kính 70 m của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Kính thiên văn Arecibo Observatory, có đường kính 305 m trên đảo Puerto Rico (Mỹ).
Kính thiên văn Arecibo Observatory |
Theo đó, các nhà thiên văn học sẽ quan sát và xác định chính xác các thông số của 1998 QE2, như: kích thước, cân nặng, đặc tính cấu tạo và quỹ đạo di chuyển của 1998 QE2. Từ đó sẽ giúp họ tính toán và xác định thời điểm 1998 QE2 quay trở lại trong tương lai. Ngoài ra, dựa vào tốc độ của tiểu hành tinh trong quá trình tiếp cận trái đất, các nhà khoa học còn có thể tính toán được chính xác sức tàn phá của nó trong trường hợp 1998 QE2 va chạm với địa cầu. Chắc chắn, với chiều dài lên tới 2,7 km, tiểu hành tinh này đủ sức xóa sổ sự tồn tại của một thành phố hay thậm chí là một quốc gia. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán, trong vòng 2 thế kỷ tới, 1998 QE2 sẽ không tiếp cận địa cầu ở khoảng cách gần hơn 5,8 triệu km.
Được biết ngày 15-2-2013, một thiên thạch đã bay vào bầu khí quyển Trái Đất trên bầu trời nước Nga và đã trở thành một quả cầu lửa. Nó bay với vận tốc 54.000 km/h, gấp 44 lần vận tốc âm thanh, bay qua bầu trời khu vực Ural phía Nam và bùng nổ trên tỉnh Chelyabinsk. Vật thể bùng nổ ở độ cao khoảng 15 đến 25 km so với mặt đất. Theo ước tính của NASA, thiên thạch có đường kính 17 m, nặng xấp xỉ 7.700 đến 10.000 tấn và giải thoát năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20-30 lần so với vụ nổ hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki.
H.G (Dịch, tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc