Multimedia Đọc Báo in

Thông tin khoa học thế giới

6 điều cần biết về cúm gia cầm mới H7N9

07:18, 15/05/2013

Sáu điều cần biết về chủng cúm gia cầm mới H7N9 xuất hiện tại Trung Quốc vừa được công bố trên tạp chí Khoa học - Đời sống (LS) của Mỹ số ra đầu tháng 4 vừa qua đã cung cấp những thông tin quan trọng về căn bệnh này.

1. Dịch cúm virus H7N9 đã từng xuất hiện trong quá khứ?  

Không, từ trước đến nay chưa bao giờ xuất hiện dịch cúm này tại Trung Quốc, thậm chí chủng cúm  H7N9 cũng chưa hề được nhắc đến gây bệnh ở con người. Theo Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), chủng này chủ yếu được phát hiện thấy ở gia cầm. Đa phần không lây nhiễm sang người, mặc dù dịch cúm H5N1 đã làm cho hơn 600 người tại 15 quốc gia mắc bệnh kể từ năm 2003,

2. H7N9 đã lây nhiễm sang người?

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Virus học số ra gần đây, virút cúm gia cầm H7 đã gây ra hơn 100 trường hợp nhiễm bệnh ở người trong thập kỷ qua. Năm 2003, dịch cúm H7N7 đã từng xuất hiện ở Hà Lan làm cho 89 ca nhiễm  bệnh và 1 ca tử vong. Theo tiến sĩ Richard Webby, chuyên gia về cúm gia cầm và bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện St. Jude của Mỹ thì chữ "H" và "N" trong tên gọi của từng chủng cúm là đề cập đến các protein trên bề mặt của virus, được gọi là hemagglutinin và neuraminidase. Có 16 hemagglutinin và 9 loại neuraminidase có thể kết hợp lại với nhau.

3. Triệu chứng chính của những người bị nhiễm cúm H7?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ba trong số những người bị nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc là nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến viêm phổi và các vấn đề về hô hấp. Có rất nhiều ca nhiễm cúm virút H7 trong quá khứ đều gây hiện tượng viêm kết mạc hoặc nhiễm trùng mắt nhưng không lây truyền từ người sang người.

4. Virus H7N9 lây từ người sang người?

Theo WHO, cho tới thời điểm hiện nay, không có bằng chứng cho thấy H7N9 chủng mới lây nhiễm từ  người sang người, Ba trường hợp tử vong xảy ra ở Thượng Hải và tỉnh An Huy của Trung Quốc vừa qua không thấy có dấu hiệu lây từ người sang người và những những người tiếp xúc gần gũi với những người mắc bệnh không có dấu hiệu bị nhiễm bệnh. Cũng theo WHO, một cuộc điều tra nguồn gốc lây bệnh của các ca tử vong nói trên tại Trung Quốc đang được tiến hành.  Theo báo cáo, một phụ nữ bị nhiễm bệnh là do tiếp xúc với gia cầm, qua vụ này các nhà khoa học tình nghi có một chất đánh dấu di truyền  hay gen đánh dấu (genetic marker) có  liên quan đến virus và làm tăng khả năng lây nhiễm sang người. Rất có thể gen đánh dấu này chỉ xuất hiện khi cơ thể con người bị lây nhiễm. Nhưng nếu virus có ở đàn gia cầm thì số ca mắc bệnh sẽ còn cao hơn. Tuy nhiên, gen đánh dấu này lại không đủ để cho phép virus truyền từ người sang người.

5. Virus lây lan như thế nào nếu không phải là lây từ người sang người?

 H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nên con người rất dễ bị lây nhiễm từ xúc vật hoặc từ các sinh vật khác như đã được khoa học ghi nhận, tuy nhiên tỷ lệ  người mắc bệnh là tương đối nhỏ. Hiện nay tại Trung Quốc người ta đang tiến hành kiểm tra lợn chết để tìm nguyên nhân, nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả cụ thể.

6. Giải pháp đối phó?

Chính phủ Trung Quốc và WHO hiện đang hợp tác ứng phó với dịch cúm H7N9 nói trên như tăng cường giám sát, củng cố quản lý và trị liệu, tiến hành điều tra dịch tễ và theo dõi những người đã thường xuyên với các trường hợp đã tử vong đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình để cảnh báo. Để hạn chế rủi ro mắc bệnh, WHO khuyến cáo mọi người nên giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống an toàn, rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật, sau khi tiếp xúc với người ốm, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người hoặc phơi ra môi trường có mức rủi ro mắc bệnh cao.  Triệu chứng mắc bệnh của nhiễm cúm H7N9  thường là sốt và ho sau đó  chuyển sang viêm phổi. Do vậy, nếu có các triệu chứng trên, diễn biến bệnh thì nên đi khám và điều trị sớm.

Khắc Hùng

(Theo NNC - 4/4/2013)


Ý kiến bạn đọc