Những lý do khiến chuột chũi châu Phi “trẻ mãi không già”
Chuột chũi châu Phi (Naked mole rats) tên khoa học Heterocephalus glaber là loại động vật có vú duy nhất trên trái đất có rất nhiều đặc tính khác thường về sức khỏe, chủ thể quan tâm của khoa học, đặc biệt là khả năng ít bị lão hóa, ung thư và có tuổi thọ gấp 9-10 lần đồng loại nên được ví là loài vật "trẻ mãi không già".
* Sở hữu bộ da đặc biệt
Một trong những đặc tính dễ nhận biết của chuột chũi châu Phi là có bộ da rất đặc biệt không lông, màu hồng nhăn nheo, xấu xí nhưng đổi lại nó lại “thỏa hiệp” với các tác động bên ngoài, kể cả axít. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy loài chuột này có một chất truyền dẫn thần kinh có tên là hóa chất P nên nó chai lỳ, không đau mà cũng không bị tổn thương. Nhờ chất truyền dẫn thần kinh nói trên nên nó không truyền tín hiệu đau từ da lên hệ thống thần kinh trung ương.
* Động vật gặm nhấm sống lâu nhất trên trái đất
Theo nghiên cứu thì chuột chũi châu Phi có thể sống tới 28 năm, tức gấp 9-10 lần những động vật cùng loài. Sở dĩ chúng có tuổi thọ cao như vậy là do cơ thể có nhiều cơ chế khác với đồng loại. Ví dụ, nó có thể "đóng" hệ thống chuyển hóa hay điều tiết làm cho hệ thống này phát triển chậm lại, nhất là khi thiếu thức ăn, nước uống và hàng loạt những tác động mang tính môi trường khác. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở ĐH Washington (Mỹ), tuy có tuổi thọ tới 28 năm nhưng chuột chũi lại có hệ thống chuyển hóa rất khoa học, và rất nhiều bí ẩn có liên quan khác đến nay con người vẫn chưa hiểu hết.
* Không mắc bệnh ung thư
Cho đến nay khoa học chưa phát hiện thấy dấu hiệu ung thư ở loài động vật này. Đặc biệt, chuột chũi châu Phi có hẳn một gen có khả năng triệt tiêu khối u, làm nhiệm vụ mã hóa một loại protein có tên là P16. Protein này giống như protein P27 có trong cơ thể con người, giám sát một nhóm tế bào (như tế bào tiền tăng trưởng khối u) và ngăn ngừa nhóm tế bào này phát triển phi tổ chức. Sự khác biệt giữa 2 protein này ở chuột chũi và người ở chỗ, con người chỉ dựa vào protein P 27 còn chuột chũi lại dựa vào cả hai P16 lẫn P27. Đặc biệt, ở chuột chũi châu Phi chức năng protein P16 còn đóng vai trò là "một trạm barie", theo đó, một khi phát hiện thấy phân tử gây ung thư là chúng tiêu diệt ngay.
* Rất giỏi sử dụng “công cụ” giúp chúng tồn tại
Một trong những lợi thế của chuột chũi châu Phi là có hàm răng rất to, dài và sắc nhọn giúp chúng đào hầm, tìm kiếm mồi, làm nhiệm vụ xúc giác, thị giác thay cho đôi mắt bé tẹo để tìm kiếm mồi trong lòng đất. Hệ thống răng, môi giúp chuột chũi châu Phi đánh hơi và tìm mồi rất nhanh, hệ thống xúc giác nhạy bén này nằm sau phía răng cửa, trước môi. Theo giả thiết, rất có thể cấu trúc này giúp cho chuột chũi châu Phi không bị ngạt trong môi trường thiếu dưỡng khí, hoặc hít phải vật lạ độc hại, giúp chúng tồn tại và thích ứng nhanh với môi trường nằm sâu trong lòng đất.
* Hàm răng giống như con dao đa năng Thụy Sỹ
So với những loài gặm nhấm khác, chuột chũi châu Phi có hàm răng rất "khủng" hay còn gọi là hàm răng kiếm, trong đó 1/3 năng lượng não dùng để điều khiển hàm răng này. Nó giúp cho chuột chũi châu Phi có thể đào hầm, kiếm mồi, vận chuyển thức ăn cảnh giác với những mối hiểm họa từ bên ngoài. Tóm lại, hàm răng của chuột chũi không khác gì con dao đa năng Thụy Sỹ (con dao nhỏ có nhiều lưỡi do người Thụy Sỹ phát minh để trang bị cho quân đội).
* Có thể chạy lùi nhanh như chạy tới
Nghe qua có vẻ vô lý nhưng thực tế chuột chũi châu Phi có khả năng chạy tới và chạy lùi rất cừ khôi, nhất là khi bị tấn công và cũng là cách để chúng tự bảo vệ mình và bảo vệ đồng loại cũng như chuột chũi chúa. Kỹ năng tuyệt vời này có được là nhờ hàng lông cảm xúc nằm dọc hai bên cơ thể và ở đuôi, giúp chúng "nhìn" phía sau tốt hơn. Hệ thống cảm biến dạng lông này cũng là một đặc tính giúp cho chuột chũi châu Phi thích nghi với môi trường sống và giúp chung sống lâu hơn so với những loài gặm nhấm khác.
* Bậc thầy về xây dựng hầm trú ẩn
Theo nghiên cứu, chuột chũi châu Phi quả là các chuyên gia xây dựng bậc thầy, tạo ra những “khu hầm boongke” cực kỳ kiên cố và vững chắc nằm sâu trong lòng đất, đủ cho 20-300 con sống an toàn, thậm chí chúng có thể xây dựng được hệ thống "nhà ở" ngầm trong lòng đất với diện tích rộng tương đương 20 chiếc sân bóng đá. Những “khu hầm boongke” rộng lớn kiểu này dùng để chứa thực phẩm, dùng làm nơi ở cho con cái của chuột và một phần dùng để chứa vật thải. Các nhà khoa học ví đây là hệ thống đường cao tốc rất khoa học, cho phép chuột chũi có thể đi lại thuận tiện mà không hề bị tác động, thậm chí có cả những khu vực an toàn dùng cho chúng ẩn náu khi có lũ lụt.
K.N
(Theo HP – 6-2013)
Ý kiến bạn đọc