Multimedia Đọc Báo in

Những sự kiện mang tính “bước ngoặt” trong ngành truyền hình thế giới

10:55, 27/07/2013

Truyền hình là công cụ truyền thông rất gần gũi, mang đến cho con người rất nhiều thông tin bổ ích. Thậm chí truyền hình còn được ví là một kho lưu trữ khổng lồ và vô giá của nhân loại. Dưới đây là một số sự kiện được xem là "điểm nhấn" của ngành công nghiệp này trong thế kỷ 20 và 21

1. Cuộc tranh luận giữa Kennedy và Nixon năm 1960

Tháng 9 năm 1960 đã diễn ra cuộc tranh luận nảy lửa trong khuôn khổ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Richard Nixon và John Kennedy. Sự kiện trên được xem là bước ngoặt truyền hình trực tiếp đầu tiên của nhân loại có liên quan đến lĩnh vực chính trị. Khi hai ứng cử viên bắt đầu xuất hiện trên sân khấu, đèn sáng rực rỡ, Thượng nghị sĩ Kennedy, ứng cử viên Đảng Dân chủ ở California trông vẻ phong độ và tự tin, còn Phó Tổng thống Nixon, người vừa phục  hồi sau một thời gian dài nằm viện, lại xuất hiện với dáng vẻ mệt mỏi. Với những gì được chứng kiến, dư luận theo dõi cuộc tranh luận  này đều cho rằng Kennedy sẽ là người chiến thắng. Lợi thế của truyền hình là mọi cái đều hiện rõ trước mắt khán giả, trong khi đó những người nghe đài phát thanh lại không thể nhìn thấy những góc khuất này.

2. Ban nhạc Beatles làm mưa làm gió tại Mỹ năm 1964

Trước khi bay sang Mỹ để công diễn năm 1964, ban nhạc Beatles của Anh đã rất nổi tiếng tại chính quốc và châu Âu nhưng họ vẫn còn chút do dự bởi hầu hết các ngôi sao lớn đều có điểm xuất phát từ Mỹ. Kế hoạch vượt Đại Tây Dương để đến New York thực hiện chương trình The Ed Sullivan Show, đã vượt xa mong đợi của chính Beatles. Cũng phải nói thêm rằng sự xuất hiện của  Beatles  diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là sau khi vụ ám sát Tổng thống Kennedy, khán giả Mỹ đang mong chờ một sự đổi mới về không khí, các cô gái trẻ muốn được xem bốn gương mặt Fab Four đến từ xứ sở sương mù mà lâu nay họ mong đợi. Bởi vậy không chỉ có vé bán hết mà còn có tới 73 triệu người theo dõi  The Ed Sullivan Show qua màn ảnh nhỏ. Sự xuất hiện của Beatles qua The Ed Sullivan Show được thực hiện vào tối ngày 9-2-1964 không chỉ làm thay đổi sự nghiệp của chính Beatle mà còn thiết  lập một kỷ lục mới trong ngành công nghiệp truyền hình và giải trí của nhân loại cho dù chỉ là truyền hình trắng đen đơn giản.

3. Phi thuyền Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng năm 1969

Ngày 20-7-1969, hàng trăm triệu người trên toàn cầu đã dán mắt vào ti vi để xem  phi thuyền Apollo 11 hạ cánh xuống mặt trăng. Mọi người thở phào khi module tách ra khỏi tàu vũ trụ và hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt mặt trăng. Khán giả bị hút  hồn bởi hình ảnh các phi hành gia xuất hiện, sau đó  cắm cờ lên bề mặt của hành tinh này. Thậm chí người ta còn nghe thấy cả tiếng nói của Neil Armstrong ở cách trái đất hàng trăm nghìn dặm vọng về. Trong sự kiện nói trên có công lớn của ngành truyền hình, và được xem là sự kiện "độc nhất vô nhị" giúp con người tận mắt chứng kiến một tiến bộ nhảy vọt trong công cuộc chinh phục không gian của nhân loại.

4. Trận so găng Thrilla in Manilla  năm 1975

Đối với những người hâm mộ thể thao, thì trận so găng giữa võ sĩ Muhammad Ali với  Joe Frazier mang tên Thrilla in Manilla  là  trận đấu để đời, đáng nhớ và không kém phần khốc liệt giữa hai đấu sĩ hạng nặng lừng danh thế giới. Riêng đối với truyền hình thì đây là một điểm nhấn, giúp khán giả thấy được vai trò quan trọng của ngành công nghiệp đa phương tiện. Hãng Home Box Office (HBO) đã mua bản quyền chương trình trận đấu diễn ra ngày 1-10-1975 được tổ chức tại Manilla, Philipin, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh. Kết quả,  sau 15 vòng đấu Muhammad Ali đã thắng cuộc, giành chức vô địch hạng nặng thế giới.

5. Phim trình truyền hình ngắn đầu tiên năm 1977

Phim trình truyền hình ngắn nhiều tập mang tên Roots của đài ABC (Mỹ) công chiếu năm 1977 được xem là chương trình giải trí ngắn đầu tiên nhưng lại có lượng khán giả đông nhất. Phim mô tả người da đen như những anh hùng, còn người da trắng thì tương phản. Với 12 giờ công chiếu, Roots  thực sự làm thay đổi cách thức làm ăn của ngành công nghiệp truyền hình. Roots được xếp dẫn đầu về số lượng người xem sau mỗi đêm phát sóng, 85% số gia đình ở Mỹ xem hết trọn bộ bộ phim này.

6. “Ai bắn J.R” ? giúp cảnh sát tìm ra thủ phạm, năm 1980

Mùa xuân năm 1980, câu hỏi lớn nhất trong dư luận Mỹ không phải là sự kiện Mỹ tẩy chay Thế vận hội mùa hè ở Liên Xô mà dư luận lại quan tâm đến bộ phim mini-series có tên là  Who shot J.R? (Ai bắn J.R) của hãng CBS.  J.R ở đây là từ viết tắt nói về JR Ewing, trùm dầu lửa Texas, nhân vật chính trong phim dài nhiều tập Dallas. Chương trình bắt công chiếu hàng tuần xoay quanh gia đình Ewing và chuyện kinh doanh dầu lửa của họ. Sau khi xem phim này khán giả truyền hình đã tự hỏi: ai là người bắn JR và nhiều thành viên khác trong gia đình ông trùm này? Cũng nhờ phim nói trên, cuối cùng cảnh sát đã vào cuộc và kết quả trên 90 triệu người xem truyền hình đã không thất vọng, kẻ giết JR chính là cô em dâu Kristen, người mà ông trùm đã nhiều lần gian díu dẫn nhau đi "nhà nghỉ", thế mới biết vai trò của phim truyền hình không hề nhỏ chút nào. Sau phim này, hàng loạt phim khác nhái theo phong cách Who shot J.R cũng rất thành công như '' Twin Peaks'' hay '' The Simpsons''.

7. Chương trình truyền hình có lượng khán giả đông nhất nước Mỹ

Đó là chương trình hay còn gọi là phim MASH, chính thức công chiếu từ năm 1972 cho đến tháng 2-1983. Nó không chỉ là bộ phim nói về chiến tranh xảy ra tại bán đảo Triều Tiên mà còn có độ dài hơn cả cuộc chiến tranh này, được trình chiếu trong khi phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam lên tới đỉnh điểm. Trong suốt thời gian 11 năm, rất nhiều nhân vật đã được thay thế nhưng Bệnh viện dã chiến di động số 4077 của quân đội (MASH) vẫn giữ nguyên không đổi, đây cũng là tên gọi của chương trình. Theo thống kê của công ty giải trí  Nielsen Co. ước tính có khoảng 105,97 triệu lượt người xem chương trình này, đặc biệt là tập cuối với độ dài 2,5 giờ vào ngày 28-2-2083 có tiêu đề "Good-bye, Farewell & Amen".

8. Cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9

 Cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 được xem là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngay vào lúc sáng sớm, mạng lưới truyền hình của Mỹ đã nhận được hàng loạt những tin xấu từ Trung tâm Thương mại Thế giới ở  New York gửi về. Ngay lập tức, những thông tin nóng có liên quan được truyền hình trực tiếp. Người dân trên khắp nước Mỹ và thế giới đã bỏ hết công việc dán mắt vào ti vi. Mọi thông tin được truyền đi từng phút và trong nhiều ngày, khán giả được nghe nhìn và thu thập mọi thông tin có liên quan đến vụ khủng bố này.  

Khắc Nam

(Theo  Discovery – 6-2013)


Ý kiến bạn đọc