Trận mưa sao băng Song tử lớn nhất trong năm 2013
Trong hai ngày 13 và 14-12, những người đam mê thiên văn học sẽ có cơ hội ngắm nhìn trận Mưa sao băng Geminids – lớn nhất trong năm bởi độ rực rỡ cũng như về độ tin cậy, sẽ đạt cực đại vào sáng 14-12 tới (theo giờ Việt Nam). Đây là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm và cũng là hiện tượng thiên văn đáng chú ý cuối cùng của năm 2013.
Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ vật thể 3200 Phaethon - được cho là phần nhân của một sao chổi còn sót lại sau những cuộc hành trình của nó và bị gió Mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài. Trong quá khứ, 3200 Phaethon di chuyển cắt ngang qua quỹ đạo của Trái đất và để lại một dải đá bụi. Hàng năm, từ đầu đến giữa tháng 12, khi Trái đất di chuyển qua dải đá bụi này cũng là lúc diễn ra mưa sao băng Geminids.
Mưa sao băng Geminids (Geminids Meteor Shower) là hiện tượng diễn ra hàng năm do hàng loạt các mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển Trái Đất khi Trái Đất đi qua khu vực qũy đạo có chứa chúng, những mẩu đá này đều là phần tàn tích để lại trên đường đi của sao chổi 3200 Phaethon khi nó đi vào Hệ Mặt Trời. Đến nay, Geminids là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất và đáng quan sát nhất mỗi năm, mặc dù ở những vùng có khí hậu lạnh và mây mù thì việc quan sát sẽ thường gặp nhiều khó khăn hơn so với khi quan sát mưa sao băng Perseids vào tháng 8.
Theo các nhà khoa học, trận mưa sao băng Geminids diễn ra khá gần ngày trăng tròn nên việc quan sát có thể gặp cản trở bởi ánh trăng. Tuy nhiên, do trăng sẽ lặn vào khoảng 3 giờ sáng ngày 13-12, đặc biệt lúc sau 2h sáng ngày 14-12, nên vào thời điểm đó người quan sát sẽ được chiêm ngưỡng khá trọn vẹn mưa sao băng. Dù vậy, ở những vùng có khí hậu lạnh và mây mù, việc quan sát sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Vào lúc cực điểm, mưa sao băng Geminids cho phép người quan sát thấy được khoảng 40 đến 50 sao băng mỗi giờ. Có nhiều năm, mật độ sao băng có thể lên tới hơn 100 vệt sao/giờ.
H.G (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc