NGÀY KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆT NAM (18-5)
Khoa học và công nghệ - động lực phát triển nhanh và bền vững
Nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng những thành tựu KH-CN, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Kết quả nghiên cứu đã tạo luận cứ khoa học cho xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vai trò của KH&CN trong sản xuất và đời sống được nâng lên.
Việc ứng dụng những thành tựu KH-CN vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học; các chế phẩm sinh học phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; các vắc xin phòng ngừa dịch bệnh trên động vật… Hằng năm, Dak Lak sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực; sản phẩm cà phê nhân đạt trên 400.000 tấn, đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp. Trong đó, KH-CN giữ vai trò quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, năm 2000 tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp chiếm đến 78,82% tổng sản phẩm của tỉnh thì năm 2005 giảm xuống còn 66,5% và đến năm 2013 còn 45,7%. Tỷ trọng Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm nhưng giá trị sản xuất không ngừng tăng qua từng năm.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã đi sâu nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên nhằm sưu tầm, phát hiện, khẳng định những giá trị đích thực, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống, xây dựng thôn, buôn văn hóa mới phù hợp với mong muốn và tập quán của đồng bào các dân tộc. Một số dự án nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư vào các vùng kinh tế chậm phát triển đã mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng.
Về xây dựng tiềm lực KH-CN, tỉnh đã ban hành và áp dụng một số chính sách ưu đãi để khuyến khích đào tạo, tăng nhanh đội ngũ cán bộ KH-CN, phát huy nhân tố con người trên mọi lĩnh vực. Ngoài việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ, tỉnh còn chú trọng đào tạo đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công cho cấp xã. Việc mở rộng quy mô, đa dạng về hình thức và nâng cao chất lượng của các cơ sở đào tạo đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực KH-CN cho địa phương hằng năm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 47.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: tiến sĩ 13 người, chiếm tỷ lệ 0,3%; thạc sĩ 542 người, chiếm tỷ lệ 1,15%; đại học 19.955 người, chiếm tỷ lệ 42,23%.
Số đề tài ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống ngày càng được nâng lên (đạt khoảng 65%), tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Kết quả các chương trình KH-CN đã làm sáng tỏ thêm về thế mạnh, tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số đề tài khoa học được dùng làm cơ sở để xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, hoạch định các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như cung cấp luận cứ khoa học cho các phương án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH-CN thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, đó là: Việc xây dựng cầu nối giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất và đời sống chưa được chú trọng đúng mức, một số kết quả nghiên cứu chậm được ứng dụng vào thực tiễn. Thị trường KH-CN bước đầu được hình thành nhưng phát triển còn chậm. Hoạt động chuyển giao KH-CN còn ở quy mô nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ và thiết bị. Công tác xã hội hóa hoạt động KH-CN triển khai còn chậm. Nguồn vốn đầu tư cho KH-CN còn ít và dàn trải.
Nguyên nhân cơ bản của tồn tại, hạn chế trên là một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH-CN chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; đầu tư nguồn lực cho KH-CN chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên còn chiếm tỷ lệ thấp, phân bổ chưa hợp lý, thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành, kể cả các kỹ thuật viên, công nhân lành nghề trong nhiều ngành kinh tế - kỹ thuật. Các doanh nghiệp chưa coi trọng việc sử dụng, thu hút nhân lực KH-CN. Chính sách đãi ngộ, thu hút, đào tạo đối với cán bộ KH-CN chưa thỏa đáng. Hệ thống tổ chức và quản lý hoạt động KH-CN ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các cơ quan chủ trì đề tài, dự án chưa thật sự chủ động trong việc chuyển giao, nhân rộng các kết quả nghiên cứu; chưa tập hợp được nhiều nhà khoa học ở các viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển giao ứng dụng kết quả các đề tài khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và tiếp cận nền kinh tế tri thức, với mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong sự nghiệp ấy, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định phát triển KH-CN cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Công nghệ trồng rau hoa nhà màng ở TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.L |
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KH-CN trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phát triển khoa học và công nghệ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vị trí, tầm quan trọng KH-CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phổ biến và nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ. Xác định phát triển KH-CN là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng cấp.
Thứ hai, phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo cho hoạt động KH-CN của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp KH-CN, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Quy hoạch, sắp xếp lại các tổ chức KH-CN bảo đảm hoạt động có hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu và định hướng nhiệm vụ phát triển trong từng giai đoạn. Quy hoạch phát triển nhân lực KH-CN phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH-CN, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ KH-CN phát triển tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý KH-CN ở các ngành, các cấp.
Thứ ba, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, y tế, tập trung nghiên cứu cung cấp cơ sở thực tiễn, luận cứ khoa học cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Đồng thời, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN trong giáo dục và đào tạo ở các cấp học, ngành học để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện. Phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chú trọng lĩnh vực y tế dự phòng, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh xã hội có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Thứ tư, trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn, chương trình công nghệ sinh học với nội dung trọng tâm là áp dụng rộng rãi công nghệ sinh học để tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt. Mở rộng việc áp dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch… Trong công nghiệp, xây dựng, tiến hành điều tra đánh giá trình độ công nghệ, xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ. Triển khai có hiệu quả chương trình ứng dụng năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng.
Thứ năm, phát huy và tăng cường tiềm lực KH-CN. Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực KH-CN chất lượng cao, có cơ cấu trình độ, chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường liên kết đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ KH-CN đầu ngành đủ sức giải quyết những vấn đề KH-CN trọng điểm, liên ngành. Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị KH-CN, giáo dục - đào tạo của địa phương với các đơn vị Trung ương đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nâng cao vai trò tư vấn, phản biện của hội đồng KH-CN các cấp, các ngành.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển và xã hội hóa các hoạt động dịch vụ KH-CN như tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ; hỗ trợ thiết kế, chế tạo thử nghiệm; chuyển giao, đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ; tư vấn, giám định sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập các quỹ phát triển KH-CN và các bộ phận nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Bảy là, đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế về khoa học và công nghệ. Đa dạng hóa các mối quan hệ và các hình thức hợp tác nghiên cứu khoa học và triển khai hoạt động KH-CN. Tạo điều kiện cho cán bộ KH-CN tiếp cận được các tiến bộ KH-CN của các nước trong khu vực và thế giới, làm chủ được công nghệ nhập ngoại. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút cán bộ KH-CN về công tác tại tỉnh; tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi đến nghiên cứu, thực hiện các đề tài có giá trị thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của trên địa bàn tỉnh.
Tóm lại, trước yêu cầu cấp bách của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng KH-CN phải được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Do đó, phải không ngừng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, năng lực sáng tạo và đổi mới công nghệ, tăng tỷ trọng đóng góp của KH-CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng tỉnh Dak Lak thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng KH-CN đạt trình độ phát triển khá của khu vực Tây Nguyên cũng như trong cả nước, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhanh và bền vững, như chủ đề Ngày Khoa học và Công nghệ năm 2014: Khoa học và Công nghệ – Động lực phát triển nhanh và bền vững.
Niê Thuật
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)
Ý kiến bạn đọc