Để bảo đảm an toàn dữ liệu máy tính khi lướt web
Thứ nhất, sử dụng hệ điều hành chính hãng (genuine) và tạo tài khoản người dùng (standard user).
Hiện nay do giá thành hệ điều hành Windows của hãng Microsoft còn khá cao, mặt khác do tâm lý, thói quen sử dụng “hàng chùa” nên nhiều máy tính của cả tổ chức và cá nhân đang sử dụng hệ điều hành bẻ khóa (crack, keygen…), nghĩa là sử dụng một phần mềm công cụ không do Microsoft phát hành để vô hiệu hoá tính năng yêu cầu kích hoạt của Windows. Và trong các phần mềm công cụ này ẩn chứa nhiều nguy cơ về lỗ hổng bảo mật cũng như các đoạn mã thu thập thông tin người dùng mà phần mềm diệt virus không phát hiện được hoặc được yêu cầu bỏ qua khi bẻ khóa. Từ đó dẫn tới việc, tưởng chừng máy tính được cài phần mềm diệt virus là an toàn mà không thấy được hiểm họa mất dữ liệu, mất thông tin bất cứ lúc nào. Vì vậy, khi mua máy tính nên cân nhắc mua những máy được tích hợp sẵn hệ điều hành hoặc cài hệ điều hành chính hãng, mặc dù chi phí có thể tăng thêm nhưng về lâu dài góp phần đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Ngoài ra, bạn nên tạo tài khoản người dùng cho máy tính để có thể hạn chế các cài đặt phần mềm không mong muốn, mặt khác hạn chế được việc mất cắp dữ liệu trong máy.
Thứ hai, cài đặt các phần mềm chính hãng hoặc các phần mềm nguồn mở, hạn chế tối đa việc sự dụng các phần mềm bẻ khoá.
Nếu có điều kiện bạn nên móc hầu bao mua cho mình một bộ sản phẩm Office của Microsoft. Nếu không, có thể sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản nguồn mở thay thế như: OpenOffice, LibreOffice… Giao diện các phần mềm này cũng khá giống với với bộ sản phẩm Office của Microsoft, nên sẽ không mất nhiều thời gian để làm quen.
Đối với các phần mềm khác, nên chọn nguồn mở thay thế, hạn chế tối đa sử dụng các phần mềm bẻ khoá, vừa phạm luật lại không an toàn, dễ tạo ra các cửa hậu (back door) cho các tin tặc tấn công.
Thứ ba, sử dụng các phần mềm diệt virus miễn phí thay cho các phần mềm bẻ khoá.
Không ít máy tính được cài phần mềm diệt virus bẻ khoá, việc này chẳng khác gì “đuổi hổ của trước, rước beo cửa sau”. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là sử dụng phiên bản miễn phí.
Hiện nay hầu hết các hãng phần mềm bảo mật phát hành song song 2 phiên bản có phí và miễn phí. Sự khác nhau giữa hai phiên bản này là về tính năng hoặc mục đích sử dụng. Nếu như phiên bản thu phí cho phép sử dụng đầy đủ các tính năng tích hợp trong chương trình diệt virus thì ở phiên bản miễn phí một số tính năng bị hạn chế. Cũng có hãng miễn phí đối với người dùng cá nhân, nhưng thu phí đối với tổ chức. Mặc dù miễn phí nhưng các tính năng này đủ sức bảo vệ bạn trước các nguy cơ đe doạ từ không gian mạng. Hơn nữa, bạn có thể sử dụng các phần mềm miễn phí khác để bổ sung thêm các tính năng còn thiếu trong phần mềm diệt virus.
Thứ tư, thường xuyên cập nhật phiên bản phần mềm mới nhất.
Không một phần mềm nào hoàn thiện ngay khi phát hành, ngay cả đối với hệ điều hành Windows, do đó trong quá trình sử dụng các lỗ hổng bảo mật sẽ xuất hiện và được các hãng phát hành các gói vá lỗi. Vì vậy, việc cập nhật phần mềm không chỉ giúp tăng cường bảo mật mà còn tận hưởng được một số tính năng mới hãng phát hành.
Để thực hiện việc này, bạn nên thiết lập chế độ tự động cập nhật đối với các phần mềm. Nếu phần mềm không có tính năng tự động cập nhật hoặc thông báo cập nhật, bạn thỉnh thoảng truy cập vào website của hãng để cập nhật chương trình mới nhất.
Thứ năm, sao lưu dự phòng định kỳ các dữ liệu quan trọng sang USB, đĩa cứng di động hay đĩa CD.
Nếu bạn có nhiều dữ liệu quan trọng, cách tốt nhất tránh mất dữ liệu là sao lưu sang các thiết bị lưu trữ gắn ngoài, sau đó cất cẩn thận ở nhà. Trong trường hợp máy tính trục trặc, mất hoặc bị virus tấn công thì bạn vẫn có thể khôi phục bằng các thiết bị sao lưu trước đó. Mặc dù việc này đòi hỏi bạn mất chút ít thời gian nhưng là việc làm hết sức quan trọng, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Đối với các dữ liệu quan trọng như thông tin về thẻ tín dụng, tốt nhất bạn không nên lưu trong máy tính mà nên ghi nhớ.
Thứ sáu, hạn chế bấm vào các liên kết (link) ở các website thiếu thông tin rõ ràng.
Trên mạng hiện nay không ít trang web giả mạo, lừa người dùng bấm vào các liên kết, khi bấm vào, máy sẽ tự động tải về và cài đặt phần mềm độc hại mà người dùng không hề hay biết, hậu quả là máy bị nhiễm các phần mềm độc hại. Chính vì vậy, khi thấy các liên kết đáng ngờ bạn không nên nhấp chuột vào đó.
Tóm lại, để bảo đảm an toàn trên không gian mạng, chỉ có máy tính “sạch” thôi chưa đủ mà còn đòi hỏi ý thức đúng đắn của người sử dụng, có như vậy mới hạn chế tối được tối đa các nguy cơ tiềm ẩn từ internet.
Lương Hữu Nam
Ý kiến bạn đọc