Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị định 115: Khi nào tổ chức khoa học công nghệ công lập mới có thể tự chủ?

10:51, 19/03/2016

Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) công lập được Chính phủ ban hành từ năm 2005. Theo lộ trình, 4 năm sau, tức là đến năm 2009, toàn bộ các tổ chức KHCN công lập phải chuyển sang cơ chế mới. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm triển khai thực hiện nghị định này, trên địa bàn Đắk Lắk vẫn chưa có tổ chức KHCN nào thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Sau hơn 10 năm vẫn chưa chuyển đổi

Nghị định 115/2005/NĐ-CP được ban hành với mục đích tăng cường trách nhiệm và nâng cao tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của tổ chức KHCN; tạo điều kiện gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân lực, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động KHCN; tập trung đầu tư có trọng điểm cho các tổ chức KHCN để nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tăng cường tiềm lực KHCN của đất nước. Với những mục đích ấy, Nghị định 115/2005/NĐ-CP được kỳ vọng như “khoán 10” trong khoa học, tạo bước đột phá để từng bước xóa bỏ sức ỳ, sự trì trệ vẫn tồn tại lâu nay, giúp KHCN gắn chặt hơn với nhu cầu cuộc sống.

Giới thiệu sản phẩm nấm tại Phòng trưng bày sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Giới thiệu sản phẩm nấm tại Phòng trưng bày sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Đắk Lắk có 3 tổ chức KHCN công lập (thuộc Sở KHCN) phải chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị định 115, gồm: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN; Trung tâm Thông tin thống kê KHCN và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng TĐC. Đã bước sang năm thứ 11 song vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện chuyển đổi theo nghị định này nên Nghị định 115 còn được gọi vui bằng cái tên Nghị định “mười một năm”…

Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai, thực hiện Nghị định 115 chưa được suôn sẻ. Trong đó có sự chồng chéo giữa các văn bản khiến các sở ngành gặp không ít lúng túng khi thực hiện. Chẳng hạn, theo Nghị định 115, tổ chức KHCN chuyển đổi sang cơ chế mới được tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính; được giao tài sản, kể cả giá trị quyền sử dụng đất song trên thực tế, theo quy định của Luật Viên chức thì vị trí việc làm là do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo Luật Đất đai thì các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Chính sự chồng chéo này dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các sở ngành liên quan. Các sở ngành đều chờ văn bản hướng dẫn trong khi văn bản hướng dẫn được ban hành rất chậm. Đơn cử như Sở Nội vụ đòi hỏi phải xây dựng nhân sự theo Đề án việc làm; Sở Tài chính chờ hướng dẫn về xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KHCN công lập mà mãi đến năm 2014, Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN giữa Bộ Tài chính, Bộ KHCN về vấn đề này mới ban hành. Ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở KHCN cũng thẳng thắn khi cho rằng: Tâm lý ngại thay đổi, sức ỳ của sự bao cấp đã bắt rễ quá sâu kèm theo trình độ, năng lực nhân sự hạn chế, sản phẩm KHCN nghèo nàn, thiếu tính ứng dụng thực tế, mang tính phục vụ là chủ yếu, cũng là những rào cản làm chậm bước tiến của Nghị định 115.

Trước sự kiên quyết của Bộ KHCN và chỉ đạo từ Chính phủ, cuối năm 2015, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giữa các Sở KHCN, Sở Tài chính và Sở Nội vụ dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh yêu cầu phải thực hiện triệt để việc chuyển đổi theo tinh thần của nghị định. Tuy nhiên, đến nay, các đề án về chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trung tâm vẫn chưa được phê duyệt và chính các trung tâm hiện cũng không thể trả lời được câu hỏi này.

Xoay sở để tập tự chủ 

Trong khi chờ phê duyệt đề án chuyển đổi, các tổ chức KHCN công lập của tỉnh cũng đang tập làm quen với cơ chế hoạt động mới bởi họ đều nhận thức rằng trước sau gì cũng phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm dù thực tình tâm lý chung là ngại thay đổi. 

Đóng gói sản phẩm về chế phẩm men vi sinh Biowa  của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.
Đóng gói sản phẩm về chế phẩm men vi sinh Biowa của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Năm 2008, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng đề án chuyển đổi theo tinh thần Nghị định 115. Sau đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 19-2-2008 phê duyệt đề án này. Tuy nhiên, đề án không thực hiện được vì “vướng” ở khâu chuyển giao tài sản, xây dựng phương án nhân sự, việc làm. Đến năm 2013, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ KHCN, Trung tâm xây dựng lại đề án, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Ông Phùng Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh, khẳng định: Dù đề án về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa được duyệt nhưng Trung tâm vẫn xác định hướng phát triển tiến đến tự chủ, đó là chú trọng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ vừa hữu ích cho người tiêu dùng vừa mang lại nguồn thu cho đơn vị; lồng ghép giới thiệu sản phẩm của mình trong các buổi tập huấn, hội thảo hướng dẫn... Hiện nay, Trung tâm đã có một số sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường như các loại giống nấm (nấm linh chi, nấm chân dài...); chủng nấm men vi sinh xử lý phế phụ phẩm Biowa; một số giống cây trồng như: bơ Booth, rau công nghệ cao... ; mới đây nhất là sản phẩm nước tinh khiết sản xuất theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản có lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng (hiện mới chỉ dừng lại ở khâu chuyển giao công nghệ). Từ đầu năm 2015, Trung tâm đã thành lập phòng trưng bày để giới thiệu các sản phẩm của mình và những mô hình, công nghệ của các đơn vị liên kết, hợp tác. Tuy nhiên, do chưa được... tự chủ nên mô hình này mới chỉ dừng ở mức trình diễn chứ chưa mạnh dạn tiến tới mức quảng cáo, tiếp thị để kinh doanh sản phẩm. Theo ông Vinh, hoạt động theo cơ chế tự chủ chắc chắn bước đầu sẽ có những khó khăn nhưng cũng có thuận lợi là đơn vị sẽ được mở rộng về quyền hạn, đơn cử như có thể xây dựng kênh phân phối, tiếp thị sản phẩm ra thị trường, theo đó hoạt động tư vấn, chuyển giao các ứng dụng KHCN hiệu quả hơn.

Với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng TĐC, mặc dù Đề án tự chủ (kiện toàn tổ chức, hoạt động) theo Nghị định 115 vẫn chưa được thông qua nhưng đơn vị cũng đã chuẩn bị mọi mặt cho việc chuyển sang cơ chế mới. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7-2011. Từ năm 2013 để chuẩn bị cho việc chuyển sang cơ chế tự chủ Trung tâm tập trung nâng cao trình độ người lao động; huy động các nguồn lực để củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường chất lượng các dịch vụ... Hiện nay, Trung tâm đã tự chủ được khoảng 70% kinh phí chi thường xuyên với nguồn thu từ hoạt động dịch vụ kiểm định và sắp tới mở thêm dịch vụ thử nghiệm về hóa sinh môi trường... Công tác kiểm định được xã hội hóa, không còn độc quyền nữa cũng là những thách thức cần sự thay đổi trong nhận thức và phương thức hoạt động của Trung tâm. Thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 115, dù biết sẽ không ít khó khăn, đòi hỏi sự năng động nhạy bén với cơ chế thị trường nhưng Trung tâm sẽ được giao nhiều quyền hạn hơn trong việc quản lý tài sản, nhân lực để có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình giống một doanh nghiệp.

Đơn vị còn lại phải thực hiện chuyển đổi theo Nghị định 115 của tỉnh là Trung tâm Thông tin thống kê KHCN. Với tổ chức này, ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở KHCN cho rằng: “Sẽ rất khó để tự chủ bởi sản phẩm cũng như hoạt động đào tạo sẽ không thể cạnh tranh được với các viện, trường đại học và cả doanh nghiệp…, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, công nghệ số như hiện nay”.

Rõ ràng, hầu hết các đối tượng điều chỉnh của Nghị định 115 đã có sự chuẩn bị về tâm thế dù rằng sự chuyển đổi theo đúng như lộ trình nghị định đưa ra còn chậm trễ. Và có nói gì thì cũng phải thực hiện Nghị định 115, đó là nhận thức chung của lãnh đạo các trung tâm KHCN công lập của tỉnh. Dù thế nào cũng phải làm thì nên làm kịp thời để KHCN bắt nhịp được với cơ chế thị trường trước khi có những thay đổi lớn, nhiều và vĩ mô hơn nữa. Thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nghị định này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập được tổ chức hồi đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KHCN công lập trực thuộc theo quy định của Nghị định 115; đồng thời kiên quyết cắt kinh phí đối với các tổ chức KHCN không chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Hồng Thủy – Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.