Multimedia Đọc Báo in

Ban hành Quy chế tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh

08:58, 05/04/2016

UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành Quy chế tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, quy chế quy định về trình tự, thủ tục tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Mục đích của cuộc bình chọn là nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, khuyến khích khả năng sáng tạo, tạo động lực cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát huy lợi thế cạnh tranh; tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, giao lưu trao đổi kinh nghiệp, hợp tác đầu tư và phát triển thị trường…

Việc chấm điểm hoặc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được đánh giá thông qua 4 nhóm tiêu chí gồm: Tiêu chí về doanh thu và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường (thông qua số liệu về doanh thu của sản phẩm và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu); Tiêu chí về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, kỹ thuật (thông qua các tiêu chí như nguyên liệu sử dụng trong nước, nhập khẩu; giải quyết việc làm cho người lao động; sản phẩm thân thiện với môi trường; khả năng phát triển sản xuất); Tiêu chí về tính văn hóa, thẩm mỹ; một số tiêu chí khác như: có các chứng chỉ liên quan đến chất lượng sản phẩm, chứng chỉ liên quan đến các giải thưởng, bằng khen các cấp…

Hồ sơ đăng ký bình chọn cấp huyện do cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia gửi về Hội đồng  bình chọn cấp huyện (thông qua Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng), bao gồm: Phiếu đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (theo mẫu tại Phụ lục số 1 của Thông tư số 26/2014/TT-BCT) kèm theo bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở; Bản thuyết minh giới thiệu về sản phẩm (theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư số 26/2014/TT-BCT) kèm theo 3 ảnh màu cỡ tối thiểu 10x15cm của sản phẩm được chụp tại 3 góc độ khác nhau (chính diện, mặt bên, từ trên xuống); bản sao hợp lệ các tài liệu khác liên quan đến sản phẩm (nếu có) như: chứng chỉ, chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm;  giấy khen, bằng khen cho sản phẩm…

Hồ sơ đăng ký bình chọn cấp tỉnh do cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia gửi về Hội đồng bình chọn cấp tỉnh (thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh), gồm: các giấy tờ đã nói ở trên; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện còn giá trị; văn bản đề nghị của UBND cấp huyện kèm theo danh sách trích ngang các sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh. Trong trường hợp không tổ chức bình chọn cấp huyện thì cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh lập hồ sơ (như đã nói ở trên) gửi UBND cấp huyện xem xét, có văn bản gửi đăng ký tham gia bình chọn cấp tỉnh.

Những sản phẩm đoạt giải sẽ được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đối với cấp bình chọn tương ứng. Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thống nhất sử dụng từ cấp huyện đến cấp quốc gia và có giá trị từ ngày được cấp đến hết ngày 31-12 của năm thứ 3 (tính từ năm cơ sở được cấp Giấy chứng nhận). Trong thời hạn của Giấy chứng nhận, cơ sở công nghiệp nông thôn được hưởng các quyền lợi như: được tặng thưởng bằng tiền mặt từ nguồn kinh phí khuyến công theo quy định (không quá 4 triệu đồng/sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh; không quá 2 triệu đồng/sản phẩm đoạt giải cấp huyện), được phép in hoặc dán nhãn Logo của Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm được công nhận; được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, được tư vấn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư khác của Nhà nước cho đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo quy định như: đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, xúc tiến thương mại, đào tạo lao động…; được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin của ngành Công thương như: Trang thông tin điện tử của Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và các phương tiện truyền thông khác của tỉnh theo quy định.

Hồng Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.