Những phát minh khoa học mới
Găng tay công nghệ cao tạo ra âm nhạc
Găng tay Remidi T8 - sản phẩm của nhóm khởi nghiệp Remidi ở Texas (Mỹ) phát triển được xem là công cụ giải trí mới vượt khỏi giới hạn vốn có của con người. Nếu dùng ngón tay gõ nhịp trên bề mặt nào đó thì Remidi T8 sẽ chuyển đổi các giai điệu thành âm nhạc. Nguyên lý hoạt động Remidi T8 là sử dụng các cảm biến với áp lực nằm dọc đầu ngón tay và lòng bàn tay. Khi chạm vào bề mặt nhất định, Remidi T8 tạo ra âm thanh và nhịp điệu khác nhau dựa trên tổ hợp cảm biến mà người dùng tác động vào. Trung tâm thần kinh của Remidi T8 chính là vòng ABS đeo ở cổ tay với 2 nút điều chỉnh và nút xoay ở phía trên để kiểm soát và kết hợp âm thanh do cảm biến thu được. Dữ liệu thu được từ găng tay chuyển đến ứng dụng Remidi hoặc những phần mềm ghi âm và chuyển thành âm nhạc. Ngoài tạo nhạc, găng tay Remidi T8 còn là công cụ di động đầu tiên trên thế giới có thể ghi âm, phát lại và liên thông với các thiết bị điện tử và giải trí khác. Remidi T8 sử dụng nguồn pin 110 Ah, tuổi thọ pin 6 giờ, thời gian nạp là 30 phút.
Bệnh viện mini di động trị bệnh đột quỵ đầu tiên trên thế giới
Từ cuối tháng 4-2016, Đại học Tennessee (Mỹ) đã đưa vào sử dụng bệnh viện mini di động trị đột quỵ đầu tiên trên thế giới tên Mobile Stroke Units (MSU) có khả năng chiếu chụp, tạo ra những hình ảnh chất lượng cao để chẩn đoán đột quỵ bằng hệ thống máy quét SOMATOM của Siemens. Đây là lần đầu tiên máy quét CT được dùng cho hệ thống điều trị di động, giúp tăng chất lượng chẩn đoán và điều trị, kể cả thủ thuật điều trị chất hoạt hóa mô (tPA) và thuốc huyết áp mạnh nicardipine trong khung thời điểm quan trọng đầu tiên, chọn bệnh nhân để can thiệp chứng phình động mạch, phẫu thuật thần kinh và chăm sóc thần kinh quan trọng trực tiếp đối với các ca cấp cứu. MSU được trang bị các thiết bị chẩn đoán và điều trị tiên tiến, cộng với các nhân viên có nhiều kinh nghiệm, nên có thể can thiệp sớm trước khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện.
"Màn hình" giám sát bệnh tiểu đường
Trung tâm Nghiên cứu Nano (CNR) Hàn Quốc vừa phát triển thành công miếng dán graphene (còn gọi là màn hình mang trên người đi từ graphene) cho phép theo dõi và điều trị bệnh tiểu đường một cách chính xác và hiệu quả dựa trên phân tích mồ hôi. Cơ chế hoạt động của màn hình này là tích hợp vật liệu chức năng điện hóa và vật liệu chức năng mềm gốc graphene pha lẫn hạt vàng, có cấu trúc xoắn ruột gà. Chức năng giám sát độ pH và nhiệt độ của thiết bị được theo dõi chặt để giúp hệ thống có được số đo glucose trong mồ hôi cũng như độ pH (độ axit trong máu), nhiệt độ một cách chính xác. Nếu biết nồng độ glucose trong mồ hôi chính xác sẽ biết lượng đường huyết trong cơ thể. Nên đeo miếng dán ở nơi có nhiều mồ hôi, trung bình 15 phút mồ hôi sẽ hấp thụ lên miếng dán và sẽ cho kết quả ngay.
Dây chuyền thông minh kiểm soát ăn uống
Nhóm chuyên gia ở ĐH Buffalo (Mỹ) và Đại học Đông Bắc Trung Quốc vừa phối hợp phát triển dây chuyền thông minh kiểm soát ăn uống có tên Autodietary. Thực chất đây là một thiết bị đeo cổ giống như dây chuyền có thể "nghe" được âm thanh khi nhai, âm thanh này phù hợp với lượng calo tiêu thụ, hay năng lượng nạp vào qua đường ăn uống. Autodietary được trang bị bộ phận dữ liệu đối chiếu gọi là thư viện. Khi đeo Autodietary và bắt đầu nhai, một microphone nhỏ xíu trong Autodietary ghi lại âm thanh, gửi dữ liệu đến một ứng dụng điện thoại thông minh thông qua Bluetooth, sau đó nó sẽ so sánh nó với các thông tin trong thư viện để đối chiếu. Từ đó biết được cụ thể lượng thức ăn đầu vào và xác định số liệu calo tiêu thụ. Autodietary có thể nhắc nhở mọi người ăn uống đúng giờ, rất hợp với mục đích ăn kiêng và nhóm người cần kiểm soát ăn uống như người tiểu đường hay béo phì...
Nhà văn robot
Tờ The Yomiuri Shimbun của Nhật số ra cuối tháng 3-2016 cho biết, tiểu thuyết ngắn do trí tuệ nhân tạo chấp bút mang tên tiếng Anh “The day a computer writes a novel” (tạm dịch “Thời đại máy tính viết tiểu thuyết”) hay đến mức Ban giám khảo không nhận ra là do robot hay do chương trình phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) của nhóm kỹ sư ở Đại học Hakodate, Nhật Bản (FUH) viết ra. Tuy không đoạt giải nhất Giải Văn học Nikkei Hoshi Shinichi lần thứ ba nhưng nó đã lọt qua vòng sơ khảo. Để hoàn thành cuốn tiếu thuyết này, các chuyên gia ở FUH đã sử dụng phần mềm AI tạo ra những thông số liên quan tới cốt truyện và nhân vật, cung cấp từ đơn lẫn cụm từ kèm theo các thông số để AI lựa chọn và cuối cùng đã cho ra đời tác phẩm văn học. Giải thưởng Văn học Hoshi Shinichi năm 2016 không chỉ dành cho con người mà còn dành những ứng viên phi con người; trong số 1.450 tác phẩm nộp dự thi thì có tới 11 tác phẩm là do trí tuệ nhân tạo sáng tác.
Áo phòng ngừa virus Zika cho phụ nữ thai kỳ
Hãng Megadose (Brazil) vừa tung ra thị trường sản phẩm quần áo dùng cho phụ nữ mang thai có khả năng đuổi được muỗi gây lan truyền Zika - thủ phạm gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Những bộ quần áo này được chế từ loại vải đặc biệt, được "tẩm"một hợp chất đuổi muỗi tự nhiên, chiết xuất từ cây sả (citronella) vừa có mùi thơm dễ chịu, lại có tác dụng bảo vệ các bà mẹ khỏi bị nhiễm virus Zika. Sả là một loại thuốc diệt trừ sâu tự nhiên, không chống chỉ định, không gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và một khi được "hóa lỏng" trong sợi nguyên liệu sẽ phát huy tác dụng cao nhất. Trang phục đuổi muỗi giá cao hơn 10 - 12% so với quần áo thông thường, lớp phủ sả không vĩnh viễn, chỉ kéo dài 20-30 lần giặt.
Nguyễn Khắc Nam
(Dịch từ Mdtmag/OC/MC/JPN)
Ý kiến bạn đọc