Những tiến bộ và trở ngại trong điều trị ung thư ở trẻ em
Ung thư ở trẻ em lẫn người lớn đều do đột biến gen làm cho tế bào phát triển thiếu kiểm soát, đe dọa các chức năng trong cơ thể. Ở người lớn, nguyên nhân có thể do đột biến kết hợp với các yếu tố môi trường. Nhưng ở trẻ em lại khác, nguyên nhân đột biến đôi khi không phải do chủ quan.
Ví dụ, trẻ không uống rượu, không hút thuốc hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay môi trường độc hại…. Ung thư trẻ em thường do kế thừa các gen không may mắn, làm thay đổi bản chất sinh học của cơ thể dẫn đến gây bệnh. Cơ chế gây bệnh đơn giản hơn, chỉ có một hoặc hai đột biến thay vì hàng chục đột biến như ở người lớn. Ở trẻ xảy ra ở các mô phân chia với tốc độ nhanh, nhất là trong máu, xương, thận, não, hay hệ thần kinh. Tức là, ở trẻ các mô đang phát triển nên dễ gặp khuyết tật và phát sinh bệnh mạnh hơn so với ở người lớn. Đôi khi, những "sai lầm ngẫu nhiên của tự nhiên" này lại xảy ra ngay cả trước khi trẻ chào đời. Và trong khi hầu hết các bệnh ung thư ở người lớn phát triển quá chậm nên việc phát hiện rất khó khăn còn ở trẻ em ngược lại, ung thư phát triển với tốc độ đáng sợ, khối u lớn nhanh như thổi, tăng gấp đôi trong vòng 8 hoặc 12 giờ.
Tuy nhiên, trẻ em có cơ chế sinh học đặc thù nên có lợi cho điều trị. Do cơ thể trẻ có cơ chế chuyển hóa nhanh và nhiều yếu tố sức khỏe khác nên trẻ nhỏ có thể chịu đựng liều cao điều trị, bền bỉ hơn so với người lớn. Bằng chứng là tuy mắc bệnh nhưng lúc khỏe trẻ vẫn chơi đùa vô tư, ngoại trừ hói đầu do rụng tóc trong khi đó người lớn có cùng phương pháp điều trị thường nằm liệt, suốt ngày nghĩ quẩn. Với những khác biệt này, các nhà khoa học đã khám phá nhiều điều kỳ lạ liên quan đến cơ chế sinh học khiến bệnh ung thư trẻ em có thể điều trị dễ hơn, góp phần làm tăng tỷ lệ khỏi bệnh, có thể đạt trên 80% thông qua những phương pháp điều trị hữu hiệu.
Ung thư ở trẻ em là căn bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số bệnh ung thư nói chung. Trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây, y học tiếp tục đạt những thành tựu mới, trên 60% nhóm trẻ bị ung thư đều được tham gia các thử nghiệm lâm sàng, đây là chỉ tiêu quan trọng cho việc điều trị ung thư ở trẻ nhỏ, cũng nhờ việc làm này mà y học tìm ra nhiều giải pháp mang tính khả thi. Ngoài ra, cũng qua điều trị lâm sàng ở trẻ nhỏ, y học đã tìm thấy thêm những liệu pháp hữu ích điều trị cho cả người lớn. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của ngành y với một số lĩnh vực khác nên nhiều dạng bệnh ung thư ở trẻ nhỏ có thể chữa khỏi, đến nay mức độ đạt trên 90%, tuy nhiên một số loại ung thư khác, như u nguyên bào thần kinh (neuroblastoma) hoặc u xương ác tính vẫn chưa đạt thêm tiến bộ nào.
Một trong những trở ngại của việc điều trị ung thư ở trẻ em là để lại nhiều di chứng do tác dụng phụ gây ra, 1/3 các tác dụng phụ sẽ đe dọa cuộc sống của người bệnh. Một số loại thuốc hóa trị được chứng minh là gây ảnh hưởng đến chức năng tim, tác động đến thần kinh như giảm IQ hoặc giảm khả năng tập trung.
Một số hướng đi mới trong điều trị ung thư ở trẻ em là sử dụng các phân tử nhỏ, trong số này có chất ức chế kinase, kinase là những phân tử có khả năng chặn tín hiệu thông báo nhắc tế bào ung thư phân chia và ít gây thiệt hại cho các bộ phận lành mạnh của cơ thể, tuy nhiên phương pháp này hiện đang kiểm chứng ở trẻ em và nghe nói ít tác dụng so với ở người trưởng thành. Phương pháp hứa hẹn khác là liệu pháp miễn dịch (immunotherapy), trong đó sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để tấn công bệnh, nó có tác dụng tuyệt vời để điều trị một số loại ung thư như ung thư bạch cầu (tỷ lệ khỏi đạt 90 - 100%), liệu pháp này có thể dùng cả cho bệnh nhân không đáp ứng với hóa trị liệu.
Khắc Nam
(dịch từ PSC-10/2015)
Ý kiến bạn đọc