Những bí ẩn về không gian làm đau đầu các nhà khoa học
Theo Cơ quan Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cùng với những hình thái khí hậu bất thường, gần đây xuất hiện cả những bí ẩn lạ trong không gian, vượt xa trí tưởng tượng của con người, tạo ra mối đe doạ thường trực cho hành tinh chúng ta.
Trong chòm sao Nhân Mã (Sagittarius), cách chúng ta chừng 8.000 năm ánh sáng, có một cặp sao nổi tiếng được đặt tên WR 104, quay quấn quanh nhau tạo ra hình chong chóng hoàn chỉnh. Theo các nhà khoa học, một trong hai ngôi sao này thuộc dạng không ổn định, có tên Wolf-Rayet, rất có thể sẽ trở thành siêu tân tinh (Supernova). Một khi Wolf-Rayet di chuyển ra ngoài, nó sẽ tạo ra một tiếng nổ khủng khiếp, giống như vụ nổ tia gamma, làm sôi tầng ozone Trái đất, bắn phá hành tinh chúng ta bằng một lượng bức xạ tia UV cực lớn có thể gây chết người. Cụ thể hơn, nó có thể phá hủy một nửa tầng ozone Trái đất và gây tuyệt chủng hàng loạt, phát sinh những trận mưa axit dữ dội, các tia vũ trụ, bùng nổ hàng loạt bệnh tật do nguồn bức xạ gây ra.
Nhiều người cho rằng nó ở cách xa chúng ta tới 8.000 năm ánh sáng, vì vậy không nên quan tâm làm gì; lại có giả thiết cho rằng cặp sao WR 104 đã trở thành siêu tân tinh cách đây 7.999 năm, 364 ngày, các chùm tia chết chóc còn lâu mới chạm vào Trái đất của chúng ta.
2. Khi nào và bao giờ bão mặt trời xuất hiện ?
Bão mặt trời hay còn gọi là siêu lửa mặt trời (solar flares) thực chất là những vụ bùng nổ nhiệt, điện và bức xạ, có kích thước lớn gấp 10 lần kích thước của hành tinh chúng ta. Nó có nguồn gốc từ những cơn "giận dữ" của Mặt trời với tần suất mỗi thập kỷ một lần.
Bão mặt trời gồm hai dạng phun trào khác nhau, một là tự thân chúng, tạo ra các vụ nổ của các hạt ánh sáng và năng lượng cao; và hai là phun trào cực quang (CME), tạo ra những đám mây năng lượng khổng lồ đẩy vào không gian. Bão mặt trời phát sinh nhiều hệ lụy như: ảnh hưởng đến sức khoẻ con người lẫn động vật, gây tắc nghẽn giao thông, gây mất điện và làm gián đoạn các vệ tinh, làm cho các hệ thống GPS có thể ngừng hoạt động trong thời gian dài…
Năm 1859, CME đã xuất hiện tạo ra hiện tượng có tên Carrington Event ở Queensland (Australia) làm gián đoạn hệ thống điện và gây thiệt hại lớn về kinh tế của khu vực này. Tính đến năm 2013, loài người đã có 1.071 vệ tinh hoạt động để phục vụ cho truyền hình, cho dẫn đường, điện thoại, kinh doanh, tài chính, thời tiết... vì vậy, nếu CME xảy ra thì thiệt hại khó mà lường hết. Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu là tắt các vệ tinh, cảnh báo các hãng hàng không và bảo vệ lưới điện… nhưng điều này chỉ hiệu quả một khi các đài quan sát mặt trời như đài Solar Dynamics Observatory của NASA hoặc các cơ sở khác hoạt động tốt, có độ tin cậy cao và đưa ra dự báo chính xác.
3. Trái đất sẽ ra sao nếu một hành tinh khác bay ngang qua ?
Về cơ bản, các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta giống như một quả bóng khổng lồ di chuyển đung đưa trong một khoảng cách cố định xung quanh mặt trời. Trái đất phải di chuyển đúng quy trình quỹ đạo của nó thì con người và muôn loài mới có thể tồn tại được, nếu không, sẽ bị đóng băng hoặc đốt cháy hoặc bị các hành tinh khác trái ngược đâm vào. Đôi khi có những hành tinh khác lang thang đi lạc, đâm vào hệ mặt trời có thể tạo ra thảm họa bất ngờ mà người ta vẫn quen gọi là ngày tận thế.
Không cần nói đến vụ va đập lớn, chỉ cần một hành tinh bay ngang qua trái đất cũng đủ để làm cho quỹ đạo của chúng ta 'lỗi nhịp" và trở nên elip hơn, gây biến dạng, mùa hè sẽ ngắn hơn, nóng hơn bởi Trái đất gần với mặt trời, còn mùa đông sẽ dài ra và lạnh hơn. Ngay cả khi sự thay đổi thời tiết này được chấp nhận thì con người vẫn phải đối mặt với nhiều tai ương khác như nguồn cung thực phẩm cạn dần, làm cho con người thiếu ăn trầm trọng, dễ dẫn đến tuyệt chủng.
4. Có một hành tinh ẩn bên trong hệ Mặt trời ?
Hãy tưởng tượng có một vật thể tồn tại ngay trong vật thể chủ, nếu có, hành tinh ẩn này là "hoạ hay phúc" cho Trái đất của chúng ta?
Hồi tháng 1 vừa qua, các nhà thiên văn học đã khám phá ra một hành tinh ẩn khổng lồ kiểu này, có kích thước lớn gấp 10 lần Trái đất, có vẻ “nhút nhát” nhưng đang âm thầm tiến kề cạnh hệ mặt trời của chúng ta. Sự kiện này đang dấy lên tranh luận trong cộng đồng khoa học. Qua mô phỏng trên máy tính cho thấy một hành tinh lớn như vậy rất có thể gây rắc rối cho nhóm 8 hành tinh hiện có và con số 8 hành tinh trong hệ Mặt trời của chúng ta vẫn chưa phải là "chót chét".
Nếu có thêm một hành tinh mới thì Trái đất của chúng ta sẽ phải đối mặt với sự xâm lược bất ngờ. Các thiên thể trong không gian rất lớn, đường kính có khi lên tới 62 dặm (gần 100 km), thường hay lang thang trong khu vực vành đai Kuiper. Điều này có nghĩa, những thiên thể này không gây ra mối nguy hiểm ngay lập tức, nhưng lại có thể va vào hệ Mặt trời. Tương tự, hành tinh ẩn cũng có mối nguy hiểm không khác gì các thiên thể nói trên.
Cho đến nay người ta không tính toán được chính xác mức độ thiệt hại nếu một thiên thể kiểu này va vào Trái đất. Trong quá trình di chuyển từ bên ngoài vào không gian và qua bầu khí quyển của Trái đất, bản thân thiên thể này sẽ giảm đáng kể kích thước, nhưng khi phát nổ sẽ tạo ra lượng bụi khổng lồ, đủ để làm giảm ánh sáng mặt trời, và phải sau 100.000 năm bầu trời mới quang tạnh trở lại, vì vậy kịch bản thảm họa là điều khó tránh nếu các thiên thể này ẩn náu ngay trong hệ mặt trời của chúng ta.
Nguyễn Khắc
(Dịch từ Cracked- 6/2016)
Ý kiến bạn đọc