08:43, 22/06/2016
Những năm qua, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai và áp dụng trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Nổi bật trong việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) để bảo vệ môi trường thời gian qua là việc duy trì và nhân giống các dòng vi sinh vật, sản xuất các tổ hợp men, vi sinh vật chức năng, ứng dụng rộng rãi các tổ hợp này vào xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, phong trào sử dụng phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để thay thế phân bón hóa học ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường. Đơn cử như đề tài "Nghiên cứu ứng dụng phân hữu cơ vi sinh chức năng (HCVSCN) và polymer siêu hấp thụ nước (ASM) cho cây cà phê và hồ tiêu thời kỳ kinh doanh ở Đắk Lắk" do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam) triển khai thực hiện tại một số hộ dân ở xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) là một trong những giải pháp hữu ích trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Cụ thể, sau hơn 3 tháng ứng dụng bón phân HCVSCN kết hợp sử dụng bón chất ASM, tại các hộ làm mô hình thí nghiệm cho thấy, cây cà phê và hồ tiêu phát triển tốt hơn so với những vườn cây cũ, cành lá các loại cây phát triển nhiều và nhanh hơn; lá xanh đậm và không nhiễm các loại bệnh. Điều đáng nói, hiệu quả đem lại không chỉ lợi ích kinh tế cao (đối với hồ tiêu là 314,7 triệu đồng/ha, cà phê là 42,66 triệu đồng/ha) mà còn góp phần tiết kiệm nguồn nước tưới, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng cường khả năng phòng chống bệnh ở vùng rễ cây, duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất. Từ hiệu quả này, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea H’leo và các vùng lân cận tiếp tục áp dụng phương pháp trên cho các loại cây công nghiệp.
|
Nông dân xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) bón phân hữu cơ để tăng năng suất và chất lượng cho cây trồng. |
Trước đây, ô nhiễm môi trường do chất thải sản xuất trên địa bàn là vấn đề bức xúc và được dư luận xã hội quan tâm. Mặc dù các hộ dân đã tìm cách xử lý như đốt, chôn lấp để hạn chế ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, do xử lý không đúng đã làm ô nhiễm không khí, lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên. Do đó, năm 2010, Trung tâm Ứng dụng KH&CN Đắk Lắk đã triển khai thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng men ủ vi sinh xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại Đắk Lắk” nhằm giúp các hộ sản xuất, kinh doanh giảm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, đồng thời giúp cải tạo đất lâu dài và phát triển nông nghiệp bền vững. Hiệu quả dự án góp phần tạo việc làm cho người lao động, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, đã tận dụng được nguồn phế thải làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như vùng phụ cận; nâng cao sức cạnh tranh do sử dụng nguồn nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có; tăng cường hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phế thải sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc ứng dụng KHCN vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chăn nuôi, nhiều đề tài, nghiên cứu khác đã được ứng dụng như: nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các hồ chứa lớn đến tài nguyên nước ngầm; công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua lá cho cây cà phê; thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm, thoái hoá môi trường đất nhằm quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp; đánh giá hiệu quả của việc trồng rừng kinh tế và đề xuất giải pháp trồng rừng thích hợp trên địa bàn tỉnh… Một trong những thay đổi đáng kể trong thời gian qua là tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn. Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, biến trình mưa trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi nhất định, số trận mưa có cường độ và lượng mưa lớn có xu thế tăng lên, nguy cơ xảy ra lũ quét lớn hơn rất nhiều so với trước. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét gây ra ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét tỉnh Đắk Lắk và đề xuất giải pháp phòng tránh”. Qua khảo sát, điều tra, phân tích đặc điểm các vùng trọng điểm, hồ chứa nước nhân tạo, nhà máy thủy điện và hệ thống thủy lợi trên các sông suối đã xác định được nguyên nhân, thời gian, mức độ ảnh hưởng và đề ra các giải pháp một cách hữu hiệu nhất phục vụ công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt tai. Từ kết quả của bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét cho thấy, phương pháp tính toán xây dựng bản đồ đảm bảo kỹ thuật và cơ bản phù hợp với tình hình địa phương. Mặc khác, các bản đồ đã được số hóa thuận tiện cho việc nhận biết tình trạng lũ quét, giúp công tác chỉ đạo phòng tránh sát thực và hiệu quả, làm cơ sở cho công tác quy hoạch sử dụng đất, bố trí dân cư, xây dựng công trình giao thông và những công trình thủy lợi khác…
Được biết, hoạt động KHCN phục vụ bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 5 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển KHCN đến năm 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11-4-2012). Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các nhiệm vụ KHCN để tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc