Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất: Tạo sức bật mới

06:21, 12/06/2016

Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu, dự án đã được đưa vào thực tiễn cuộc sống giúp chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch và đặc điểm sản xuất ở từng địa phương.

Với đề tài “Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển cây hồng hoa trên địa bàn Đắk Lắk” do Trung tâm Ứng dụng khoa học – Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk thực hiện, hơn 2 năm nay, cây hồng hoa đã  được đưa vào trồng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Mô hình trồng thử nghiệm ban đầu (tháng 5-2014) tại hộ bà H’Blanh Niê (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) với diện tích 1,3 ha và 2 ha của gia đình ông Lê Ngãi (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đã cho kết quả tốt. Cụ thể, thời gian sinh trưởng của hồng hoa trồng ở huyện Buôn Đôn là 110 ngày với năng suất thực thu 17 tấn/ha, tổng thu 85 triệu đồng, lãi trên 49 triệu đồng; ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, thời gian sinh trưởng là 116 ngày cho năng suất thực thu 20 tấn/ha; tổng thu 100 triệu đồng, lãi 54 triệu đồng. Sau đó loại cây này đã được nhiều hộ dân không chỉ ở huyện Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột nhân rộng mà các địa phương khác như Ea Súp, M’Đrắk cũng học tập theo. Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Trước đây, cây hồng hoa chủ yếu được người dân trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà, chưa tạo sản phẩm bán ra thị trường. Tuy nhiên, sau khi trồng thử nghiệm cho thấy loại cây này phù hợp với nhiều vùng kể cả đất bạc màu và đất cát khô cằn, có tính kháng sâu bệnh cao. Do đó chúng tôi đã xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho đồng bào vùng khó khăn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc”.

Các sản phẩm khoa học – công nghệ được trưng bày tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tỉnh.
Các sản phẩm khoa học – công nghệ được trưng bày tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tỉnh.

Mới đây (tháng 10-2015), sau khi Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TTUDTBKH&CN) Cần Thơ chuyển giao công nghệ, TTUDKH&CN tỉnh đã lắp đặt dây chuyền nước đóng chai i-on dựa trên công nghệ điện phân tiên tiến của Nhật Bản và cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy định của Bộ Y tế. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm điện, nước trong quá trình hoạt động, không sử dụng hóa chất, an toàn cho người vận hành… Với công suất hoạt động 500l/h, Trung tâm đã sản xuất thành công hai loại sản phẩm là chai 450ml và bình 19 lít. Hiện Trung tâm đang tiến hành các thủ tục để tiến tới sản xuất tập trung, đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Hay như với Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và ứng dụng ủ vi sinh để xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại Đắk Lắk” đã tạo ra sản phẩm BIOWA. Đây là tổ hợp các vi sinh vật hữu ích, giúp người dân xử lý phụ phẩm nông nghiệp (vỏ cà phê, thân cây đậu, ngô, than bùn, phân gia súc…) phục vụ cải tạo đất, nâng cao năng suất, phòng ngừa một số bệnh cho cây trồng; đồng thời, giảm chi phí sản xuất, góp phần hạn chế sử dụng phân hóa học, bảo vệ môi trường…

Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống đã giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; góp phần nâng tầm giá trị nông sản Đắk Lắk trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặc dù con số 55 đề tài được ứng dụng với 126 mô hình hỗ trợ cho nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong 5 năm qua (2011 – 2015) là chưa nhiều, nhưng nó đã giúp chuyển đổi nhiều mô hình từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hàng hóa; đặc biệt đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận nhân dân trong vùng dự án. Hơn thế nữa, từ việc tham gia thực hiện các mô hình bước đầu đã thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu, độc canh của nhiều vùng địa phương trước đây. Theo ông Vương Hữu Nhi, hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần đa dạng hóa các cây trồng, vật nuôi. Trên cơ sở này, Sở sẽ tiếp tục phối hợp, nắm bắt những ứng dụng khoa học mới đưa về triển khai, áp dụng tại địa phương. 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.