Thành phố thông minh: Xu hướng đô thị mới trong tương lai ?
Cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, thuật ngữ “Smart city” (thành phố thông minh) ra đời để nói về xu hướng đô thị trong tương lai nhằm biến những thành phố lớn trở thành những đô thị thông minh để nâng cao chất lượng sống và duy trì môi trường thân thiện, bền vững.
Do còn mới mẻ nên thuật ngữ “thành phố thông minh” (smart city) vẫn chưa có định nghĩa chính xác. Theo tờ The Hindu (Ấn Độ), thành phố thông minh là khu vực đô thị đạt tới trình độ rất tiên tiến về cơ sở hạ tầng, bất động sản bền vững, thông tin liên lạc ổn định, thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Đây là thành phố có công nghệ thông tin được xem là cơ sở hạ tầng chính, có các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân. Có nhiều nền tảng công nghệ liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn tới các mạng cảm biến tự động và các trung tâm dữ liệu.
Theo các trang web chính thống của chính phủ nhiều nước trên thế giới thì cơ sở hạ tầng cốt lõi của thành phố thông minh gồm: cung cấp nước điện đảm bảo và đầy đủ; vệ sinh môi trường tốt, kể cả quản lý chất thải rắn; giao thông đô thị di động, linh hoạt, hiệu quả; nhà ở giá rẻ, đặc biệt là đối với người nghèo; kết nối công nghệ thông tin và trình độ số hoá tốt; quản lý đô thị, đặc biệt là quản trị bằng điện tử tốt với sự tham gia của người dân; môi trường bền vững; đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người già; y tế, giáo dục tương xứng với tầm cỡ một thành phố thông minh. Đối với thành phố thông minh, phát triển kinh tế và các hoạt động khác phải bảo đảm tiêu chí bền vững và hợp lý, dựa trên định hướng giám sát thị trường cân bằng hài hoà giữa cung và cầu, có lợi cho mọi người, mọi công dân, mọi doanh nghiệp, cho chính phủ và cho môi trường.
Thành phố thông minh: Xu hướng phát triển đô thị trong tương lai. |
Khái niệm “thành phố thông minh” khởi nguồn vào thời điểm cả thế giới phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Năm 2008, hãng IBM của Mỹ (nơi chuyên sản xuất và bán phần cứng, phần mềm máy tính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ máy chủ và tư vấn trong nhiều lĩnh vực) đưa ra khái niệm smarter cities (những thành phố thông minh hơn) như là một phần của sáng kiến Smarter Planet (hành tinh thông minh hơn). Đầu năm 2009, khái niệm này đã được dư luận trên toàn thế giới quan tâm. Các quốc gia như Hàn Quốc, UAE (Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh vào công tác nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện ý tưởng này. Tháng 3-2015, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách 5 thành phố thông minh được công ty tư vấn kinh tế Juniper Research bình chọn, gồm Bercelona (Tây Ban Nha) đạt tiêu chí thông minh về môi trường và bãi đỗ xe; New York (Mỹ) đạt tiêu chí thông minh về hệ thống chiếu sáng và quản lý giao thông đô thị; London (Anh) đạt tiêu chí thông minh về công nghệ và dữ liệu mở; Nice (Pháp) đạt tiêu chí đô thị thông minh về môi trường và đa phương tiện; Singapore, quốc gia thành phố đạt tiêu chí quản lý giao thông thông minh và sử dụng sáng tạo công nghệ.
Sứ mạng của các thành phố thông minh là xúc tiến, cung cấp cơ sở hạ tầng cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, duy trì môi trường trong sạch, bền vững và áp dụng các giải pháp "thông minh'" trong việc quản lý thành phố. Các giải pháp thông minh này gồm: dịch vụ điện tử chính phủ và điện tử công dân (cung cấp thông tin công cộng, giao hàng bằng dịch vụ điện tử, thành phố được trang bị các thiết bị có tên "con mắt", "tai nghe" của người dân và giám sát tội phạm bằng video); quản lý chất thải (chất thải năng lượng, nhiên liệu, chất thải tổng hợp, xử lý nước thải, tuần hoàn giảm thiểu chất thải); quản lý nguồn nước (sử dụng các thiết bị đo lường thông minh xác định nguồn rò rỉ, tổn thất, giám sát chất lượng nguồn nước); quản lý năng lượng (sử dụng, quản lý năng lượng bằng các thiết bị đo lường thông minh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các kiến trúc xanh mang tính hiệu quả, thân thiện môi trường); tính năng động đô thị, thành phố có nơi đỗ xe thông minh, quản lý giao thông thông minh, giao thông tích hợp đa nhiệm và các giải pháp khác như giáo dục, chữa bệnh từ xa, có các trung tâm thương mại, dịch vụ chữa bệnh và trung tâm phát triển tài năng, nhân lực.
Theo Viện Công nghệ New Jersey (Mỹ), những tiến bộ công nghệ đang nhanh chóng mở đường cho nhiều thành phố thông minh ra đời. Công nghệ thành phố thông minh sẽ thúc đẩy tạo ra ngành công nghiệp có trị giá ước khoảng 27,5 tỷ USD vào năm 2023, ra đời 88 thành phố thông minh vào năm 2025. Ngoài những lợi thế như đề cập trong 6 giải pháp nói trên, thành phố thông minh còn thoả mãn nhu cầu về đô thị hoá, dân số lẫn tiến độ lão hóa tăng nhanh như hiện nay. Ngoài ra, thành phố thông minh còn là giải pháp làm tăng chất lượng cuộc sống và hạnh phúc, cải thiện công việc nội trợ cho phụ nữ, giúp họ có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, giải trí....
Trong khi chính quyền nhiều thành phố lớn cũng như ngành công nghiệp quan tâm với xu hướng phát triển này, thì vẫn còn nhiều nỗi trăn trở về công nghệ thành phố thông minh. Ví dụ, quyền riêng tư có thể bị lạm dụng do thành phố phủ kín mạng, số hóa hoàn toàn với các bộ cảm biến thông minh, nhất là khi nó bị lạm dụng. Ngoài ra, còn phải kể đến mối lo lệ thuộc vào công nghệ, biến con người thành nô lệ, nhẹ thì nghiện các thiết bị giải trí như hiện nay và nặng thì chưa lường hết một khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi.
Nguyễn Khắc Nam
(Dịch từ THD/Insidebigdata - 8/2016)
Ý kiến bạn đọc