10:52, 01/09/2016
Là cơ quan nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi, công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái phục vụ cho sự phát triển nông lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, những năm qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học góp phần không nhỏ vào việc giải quyết các vấn đề cấp thiết trong nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên.
Chỉ tính trong giai đoạn 2010-2015, WASI đã tổ chức thực hiện 4 đề tài cấp Nhà nước, 18 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 5 đề tài từ nguồn vốn ADB, 23 đề tài nghiên cứu thường xuyên, 12 đề tài cấp tỉnh, 1 Dự án bảo tồn nguồn gen...
Theo đánh giá của Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI, hầu hết các đề tài nghiên cứu của Viện đều mang tính ứng dụng thực tiễn cao, đã được chuyển giao cho sản xuất, trong đó nổi bật nhất phải kể đến là các thành tựu về giống cây trồng và các tiến bộ về nhân giống, đặc biệt là giống cà phê. Cà phê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên nhưng trong giai đoạn phát triển trước đây, vấn đề giống chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy các vườn cà phê thường có năng suất thấp, chất lượng hạt kém, dễ bị nhiễm bệnh... Để khắc phục các nhược điểm đó, WASI đã có những thành công vượt bậc trong các nghiên cứu về giống cà phê. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 giống cà phê vối và 2 giống cà phê chè của Viện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống Quốc gia. Song song với các nghiên cứu về giống cà phê, WASI cũng đầu tư vào việc tuyển chọn và sản xuất giống các loại giống cây trồng có giá trị cao như: ca cao, bơ, hồ tiêu… đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, WASI đã cung cấp hơn 10 triệu cây giống cà phê các loại; 100.000 cây ghép, 15.000 chồi ghép giống ca cao; 80.000 cây bơ ghép; 100.000 cây hồ tiêu ươm bầu giống Vĩnh Linh; 12.000 cây mắc ca ghép… phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Đặc biệt, Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng WASI đã thực hiện thành công công trình “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây thủy tùng Glyptostrobus pensilis tại Đắk Lắk” bằng phương pháp ghép chồi trên cây bụt mọc, giúp công tác bảo tồn loài cây quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng này trở nên thuận lợi.
|
Cán bộ, kỹ sư WASI kiểm tra sự phát triển của các loại cây giống. |
Ngoài các nghiên cứu về giống, WASI cũng rất chú trọng các nghiên cứu về hệ thống canh tác, công nghệ sinh học, chế biến nông sản, bảo vệ thực vật cũng như công tác tập huấn, đào tạo. Điển hình là WASI đã xây dựng 30 mô hình (30 ha) thâm canh cà phê đã được cấp giấy chứng nhận cà phê bền vững Rainforest Alliance; 149 mô hình tái canh cà phê (80 ha) tại 5 tỉnh Tây Nguyên; chuyển giao quy trình sản xuất bền vững và các biện pháp nâng cao thương hiệu cho hồ tiêu Đắk Nông và cà phê Đắk Lắk; hoàn thành quy trình nuôi cấy mô cà phê vối và chè để nhân nhanh các giống cà phê đưa vào sản xuất với quy mô hơn 1 triệu cây/năm. Hằng năm Viện cũng đã đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho khoảng 1.500 lượt cán bộ kỹ thuật, nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến các loại nông sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên...
Một đề tài cấp Nhà nước có giá trị thực tiễn cao mà WASI đã thực hiện thành công là “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cây cà phê”. Kỹ thuật ICM được tổng hợp từ 3 thành phần chính là quản lý dinh dưỡng tổng hợp, quản lý tưới nước và quản lý dịch hại tổng hợp. Ở các mô hình ICM, ngoài việc cải thiện về các chỉ tiêu sinh trưởng cũng như hạn chế sâu bệnh, hiệu quả kinh tế tăng ở mức khoảng 25%. Đặc biệt, lượng nước sử dụng để tưới có thể giảm 10-30% so với sản xuất đại trà do việc áp dụng các phương pháp xác định thời điểm tưới theo độ ẩm đất. Hay một thành tựu nổi bật nữa như quy trình tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước cho cây cà phê giúp tiết kiệm lượng nước tưới và lượng phân bón so với các phương pháp truyền thống. Quy trình này do Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, nguyên Viện trưởng WASI cùng các cộng sự đã nghiên cứu và đưa ra kỹ thuật tưới tiết kiệm gồm 4 cấp đường ống được lắp đặt đấu nối với nhau để dẫn nước vào trong vườn, đến tận từng gốc cà phê. Chi phí để đầu tư mô hình này khoảng 40 triệu đồng/ha (không tính chi phí đào giếng và máy bơm). Khi áp dụng kỹ thuật tưới này, bà con nông dân có thể kết hợp bón phân qua nước, vừa làm tăng khả năng hấp thu của cây, vừa tiết kiệm công lao động. Thực tế cho thấy, quy trình này giúp tiết kiệm được khoảng 20% lượng nước và phân bón, 15% nhân công lao động...
Ghi nhận về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, WASI đã được các cấp có thẩm quyền tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc