Khoa học công nghệ cấp cơ sở: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất giúp đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng nấm, nhóm tác giả của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tiến hành nghiên cứu thành công đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nấm chân dài (Clitocybe maxima) tại tỉnh Đắk Lắk”.
Qua điều tra khảo sát sơ bộ tại TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện như Ea Súp, Krông Pắc , Krông Ana, Cư M’gar, Ea Kar... nhóm tác giả nhận thấy tỷ lệ hộ trồng nấm đang có xu hướng tăng cao, cho thu nhập khoảng 100-200 triệu đồng/ hộ/ năm. Tuy nhiên, hiện nay các hộ chủ yếu trồng các loại như nấm sò, mộc nhĩ, bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi… Riêng với nấm chân dài chưa trồng được do không biết quy trình kỹ thuật.
Người dân xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất hoa phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô. |
Kết quả nghiên cứu đề tài trên đã đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng loại nấm chân dài tại các địa phương trong tỉnh. Đây loại nấm lớn có năng suất, giá trị dinh dưỡng cao, có tính thích nghi rộng (phù hợp với điều kiện tỉnh Đắk Lắk), chi phí đầu tư rẻ, nguyên liệu sản xuất đa dạng, quy trình trồng đơn giản, chiếm ít diện tích, ít tốn công lao động nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu, đề tài này đang được nhiều hộ trồng nấm trên địa bàn tỉnh ứng dụng vào sản xuất.
Một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở được ứng dụng hiệu quả trong thực tế là sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp. Ở huyện Cư M’gar, từ nhiều năm nay, hầu hết người dân ở các xã đều tận dụng những phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, cùi ngô… để sản xuất phân hữu cơ. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư phân bón, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vừa góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững…
Ở huyện Lắk, hằng năm sản xuất nông lâm nghiệp tạo ra một khối lượng phế phụ phẩm nông nghiệp rất lớn (khoảng 4,5 triệu tấn), nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây nhiều tác hại, đặc biệt là phế thải của chăn nuôi gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, Phòng Kinh tế và hạ tầng đã chủ trì, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp tại huyện Lắk”...
Còn nhiều mô hình, đề tài KHCN cấp cơ sở được các địa phương chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả trong thực tế, như huyện Cư M’gar với các mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, quy trình sản xuất phân hữu cơ sinh học, nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm; TP. Buôn Ma Thuột với mô hình trồng rau an toàn, trồng cà phê xen sầu riêng, cánh đồng mẫu lúa lai, sản xuất hoa phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô; huyện Ea Kar với việc cải tạo đàn bò, chăn nuôi gà, heo rừng lai…
Qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế –xã hội, bảo vệ môi trường ở từng địa phương.
Trong 5 năm (từ 2011 – 2015), toàn tỉnh có 55 đề tài ứng dụng được triển khai với 126 mô hình hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện; các đề tài ứng dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 95%). |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc