Multimedia Đọc Báo in

Nhà hàng in thức ăn bằng công nghệ 3D đầu tiên trên thế giới

08:55, 06/11/2016
Thực khách được thưởng thức những món ăn độc đáo do các đầu bếp "máy in 3D" chế biến – đó là thực tế tại một nhà hàng vừa được khai trương tại thủ đô London (Vương quốc Anh).

Theo trang tin Daily Mail của Anh, vào cuối tháng 7-2016, tại London (Anh), người ta đã khai trương một nhà hàng độc đáo: mọi thứ đều là sản phẩm "in" ra từ công nghệ in 3D: từ thực phẩm, bàn ghế, đồ nội thất, dao kéo, bát đũa, thìa nĩa, cốc chén... Điều đó đã biến nhà hàng này trở nên độc đáo nhất xưa và nay trong lĩnh vực ẩm thực.

Nhà hàng này mang tên Food Ink có đầy đủ các món ăn truyền thống của Anh, ẩm thực Địa Trung Hải, châu Á, châu Phi..., tất cả đều được chế từ công nghệ in 3D. Sau ba ngày khai trương, phục vụ các món ăn hoàn toàn khác nhau, Food Ink đã được chuyển đổi thành triển lãm về công nghệ in 3D, nhưng đến đêm, các món ăn "in 3D" lại tiếp tục được phục vụ.  Mỗi bàn ăn của Food Ink có tới nhiều món, tuỳ theo ý khách hàng, tất cả đều được “in” với tiến độ nhanh chóng. Trung bình mỗi người ăn phải trả khoảng 250 bảng (gần 7 triệu đồng) với thực đơn 9 món. Ông Antony Dobrzensky, đồng sáng lập kiêm giám đốc Food Ink cho biết: "Công nghệ in 3D là một trong những phát minh sáng chói của nhân loại, giờ đây nó lại phục vụ chính cho con người. Tôi bắt đầu khám phá ra ý tưởng dùng công nghệ in 3D để kết nối công chúng với thực phẩm, ngôn ngữ phổ quát... với mục tiêu làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt hơn, ý nghĩa hơn".

Khởi nghiệp, Food Ink đã hợp tác với hãng ByFlow của Hà Lan nơi chuyên cung cấp các máy móc để chế biến thức ăn và hãng BCN3D Technologies của Barcelona nơi cung ứng dao kéo, hỗ trợ kỹ thuật hòa tan nước để tạo ra dao và nĩa cắt, tạo ra những sản phẩm sắc nét, ưa nhìn. Các dụng cụ cắt gọt, tạo hình thực phẩm do các kiến trúc sư của hãng Mamou-Mani đảm nhận bằng cách dùng chương trình Grasshopper 3D được viết riêng cho máy in Delta Tower của hãng Hypecast. Hãng ByFlow của Hà Lan là nơi đã giúp Food Ink rất nhiều, đặc biệt là đưa công nghệ này lên bàn ăn. Đây là doanh nghiệp gia đình có trụ sở tại Amsterdam, ban đầu chuyên thương phẩm máy in 3D cầm tay. Việc ra đời sản phẩm in 3D còn phải kể đến công của Floris Hoff, chủ tịch ByFlow, người đã bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thiết kế cấu trúc in socola 3D tại Viện nghiên cứu TNO của Hà Lan. Floris Hoff đã dành nhiều thời gian hợp tác với đầu bếp Michelin để đưa món tráng miệng lên máy in 3D, tạo ra một quả cầu socola, về sau ByFlow đã làm được thêm nhiều món khác trên máy in.

Thực đơn cho ba buổi khai trương tại Food Ink được tạo ra bởi hai đầu bếp nổi tiếng là Joel Castanye và Mateu Blanch, với các món ăn trứ danh như Comic Delight và Tetris Tapas vừa độc lạ lại ngon miệng. Đây là những món ăn mang hương vị của các loại trái cây và rau quả của vùng Catalonia, được tạo ra trên máy in 3D rất sắc nét, thơm ngon và rất an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm nên được khách hàng đánh giá cao. "Đối với việc in thực phẩm, điều quan trọng trước tiên là phải bảo đảm độ "vữa" của vật liệu, không quá nhão mà cũng không quá đặc và phải có mẫu thiết kế hợp lý để máy in tạo ra được sản phẩm như ý, vẫn giữ được hương vị nguyên thuỷ”, ông Floris Hoff tiết lộ.

Việc chọn London cho dự án Food Ink bởi đây không chỉ là nơi có nhiều người sành ẩm thực mà phần đông muốn tiếp cận với những cái mới, đặc biệt là các sáng tạo trong lĩnh vực thực phẩm, công nghệ và thiết kế. Cùng với việc khai trương, Food Ink còn trình chiếu trực tiếp quy trình làm thức ăn cho những người không có điều kiện thưởng thức tại đây. Ngoài in thức ăn, Food Ink còn tự in bàn ghế, đèn, dao dĩa và các vật dụng khác bằng công nghệ 3D nhằm giúp mọi người hiểu được tính năng tuyệt vời của công nghệ in 3D mới mẻ này.

Dự kiến, trong tương lai Food Ink sẽ mở rộng mạng lưới nhà hàng tới Amsterdam, Rome, Barcelona, Berlin và New York, có thể trước khi kết thúc năm 2016, sau đó năm 2017 sẽ vươn sang khu vực châu Á, như Singapore và Dubai, tạo ra chuỗi nhà hàng in 3D trên khắp khu vực.

Công nghệ in 3D bắt đầu được ứng dụng rộng rãi từ đầu những năm 1980. Ứng dụng công nghệ này rất rộng: từ ngành kiến trúc, xây dựng, thiết kế công nghiệp, ôtô, hàng không vũ trụ, quân sự, y sinh, thời trang, giáo dục, hệ thống thông tin địa lý.... và gần đây nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Sự ra đời của nhà hàng Food Ink được xem là ứng dụng thành công nhất của công nghệ in 3D trong năm 2016.

 

Nguyễn Duy Hùng

(Dịch từ DM/Zdnet- 10//2016)


Ý kiến bạn đọc