Chỉnh sửa gen người - nguy cơ làm biến mất thiên tài?
Chỉnh sửa gen làm thui chột tính sáng tạo?
Tờ Daily Mail (Anh) số ra cuối tháng 12-2016 trích dẫn lời của Tiến sĩ James Kozubek khẳng định, những tiến bộ trong lĩnh vực di truyền học là thành tựu sáng chói trong lĩnh vực y sinh của nhân loại thế kỷ 21, giúp con người loại trừ các bệnh nan y như: ung thư, tâm thần phân liệt hay trầm cảm; tuy nhiên, mặt trái là có thể tạo ra những bất ngờ mà khoa học hiện tại chưa có đủ thời gian để kiểm chứng, làm giảm khả năng sáng tạo, thiên tài, thế giới sẽ không còn có thêm nhiều Shakespeare hoặc Einstein. Nguyên nhân là bởi sự sáng tạo lẫn trí thông minh xuất chúng thường gắn liền với các chứng bệnh nói trên.
Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9. |
Theo Tiến sĩ James Kozubek, các nhà văn thường mắc chứng rối loạn lưỡng cực (Bipolar Disorder hay BD) cao gấp 10 lần người bình thường. Còn các nhà thơ, tỷ lệ này có khi tăng vọt tới 40 lần. Vì vậy, một khi các rối loạn này được giải quyết, thiên tài của con người đồng nghĩa bị "thu hẹp", như trường hợp Stephen Hawking hay Thomas Edison chẳng hạn. Theo Darwin, mục tiêu của tiến hóa không phải là đạt tới sự hoàn thiện mà nó nhằm giúp con người thích ứng với những điều kiện nhất định.
Trong nghiên cứu của mình, James Kozubek cho rằng công nghệ chỉnh sửa gen bằng CRISPR-Cas9 hiện đang được thử nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc là để kiểm soát khả năng lây truyền bệnh ung thư, điều này không hẳn có lợi ích như nhiều người tưởng. Theo James Kozubek, với CRISPR-Cas9, người ta có thể "cắt xén" gen bất kỳ song việc cắt xén này không phải là “viên đạn thần”, đôi khi còn gây bất lợi. Ví dụ, các biến thể gen của bệnh tâm thần, trong điều kiện nhất định, các biến thể gen này lại có tác dụng cần thiết.
Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 là gì ?
Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 (Clustered regularly interspaced short palindromic repeats) là công nghệ có thể loại bỏ được những gen gây bệnh có trong chuỗi ADN. Nó được lấy từ một protein của vi khuẩn cho phép các nhà khoa học cắt và dán các phần ADN cụ thể để trị các chứng bệnh nan y di truyền. Nói cách khác, CRISPR-Cas9 có chức năng giống như lưỡi dao mổ tế bào để cắt ADN. Các nhà khoa học có thể đưa gen nhân tạo vào bất kỳ vị trí nào của bộ gen có hàng tỉ nucleotide. Khi vào đúng mục tiêu, Cas9 triệt hạ chuỗi ADN lỗi và “vá” khoảng trống này lại. Tuy nhiên, CRISPR không phải là công nghệ hoàn hảo nên vẫn có thể dẫn đến sai lầm chết người, chẳng hạn khi bóc tách gen nhầm vị trí có thể phát sinh ung thư.
Công nghệ CRISPR-Cas9 được phát hiện lần đầu tiên bởi các chuyên gia ở Đại học California (Mỹ) vào năm 2012. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cơ chế cắt dán ADN được vi khuẩn sử dụng để bảo vệ bản thân chúng trước sự tấn công của kẻ thù có thể trở thành công cụ chỉnh sửa gen ở người. Chính vì điều này, con người đã coi CRISPR-Cas9 là công cụ "quyền năng" để sửa, tái cấu trúc, thậm chí xóa bỏ ADN của mọi loài, kể cả con người, nhất là sửa lại các lỗi gen để khắc phục các loại bệnh nan y hiện chưa có thuốc chữa. Công cụ này thậm chí còn được dùng để nghiên cứu để bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng hay diệt trừ sâu độc hại và là niềm mơ ước của nhiều nhà nghiên cứu tại Mỹ lẫn Trung Quốc.
Nam Bắc Giang (Dịch từ DM-12/2016)
Ý kiến bạn đọc