Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng phân bón hợp lý để giảm chi phí đầu tư cho cây cà phê

10:10, 08/02/2017

Lãng phí phân bón và sử dụng phân bón chưa thật sự hiệu quả dẫn đến tăng chi phí đầu tư đang là thực trạng chung của tình hình sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh.

Bón phân nhiều hơn mức khuyến cáo

Ông Trương Hoàng Trung ở thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình có khoảng 1 ha cà phê, mỗi năm bón trên 3 tấn phân các loại, trong đó phân đa lượng (NPK) đã gần 2 tấn. Với lượng phân bón đó, vườn cà phê của ông Trung cho năng suất từ 3,2 – 4 tấn/ha. Còn ông Nguyễn Văn Hồng ở thị xã Buôn Hồ thì bón phân theo thời giá cà phê qua từng năm, nếu được giá sẽ bón nhiều phân và ngược lại. Ông Hồng cho rằng hầu hết người trồng cà phê trên địa bàn đều bón phân theo cách của ông, tức bón 3-4 lần/năm với lượng phân bón hóa học (đa lượng) vào khoảng 1 - 1,5 tấn/ha.

Trong khi đó, theo thống kê của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), tại Đắk Lắk, với năng suất trung bình 3,34 tấn cà phê nhân/ha thì nông dân đang bón phân cho cây cà phê trung bình khoảng 891 kg/ha/năm. Trong khi mức khuyến cáo của WASI chỉ là 697 kg/ha/năm, điều đó đồng nghĩa với việc người trồng cà phê bón thừa 194 kg phân đa lượng/ha/năm (bón thừa 70 kg đạm/ha/năm (22,4 %); lân: 87 kg/ha/năm (79,1 %) và kali: 37 kg/ha/năm (13,5 %)).

Ông Trương Hoàng Trung bên mô hình tưới tiết kiệm nước của gia đình.
Ông Trương Hoàng Trung bên mô hình tưới tiết kiệm nước của gia đình.

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI cho biết, qua điều tra cho thấy đại đa số nông dân bón phân hóa học cho cà phê có xu hướng cao hơn so với khuyến cáo nhưng phần lớn đều cho rằng bón như vậy vẫn còn thiếu, nếu có điều kiện thì sẽ đầu tư bón thêm. Điều này chứng tỏ rằng hiện nay nông dân đang bón phân cho cà phê một cách tùy tiện theo cảm tính, năng lực tài chính và giá cả cà phê biến động trên thị trường.

Cần bón phân hợp lý hơn

Thực tế cho thấy, đối với người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, phân bón chiếm trên 45% chi phí sản xuất. Trong khi giá phân bón ngày càng tăng thì việc sử dụng phân bón phù hợp sẽ góp phần không nhỏ để tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập, hạn chế ô nhiễm môi trường và thoái hóa đất.

 

 “Theo kết quả thử nghiệm tại nhiều vườn cà phê, cách bón phân qua hệ thống tưới tiết kiệm nước giảm được hơn 20% lượng phân bón so với cách bón truyền thống mà cây vẫn phát triển tốt, không bị ảnh hưởng tới năng suất. Ngoài ra, việc giảm lượng phân hóa học và tăng cường bón phân hữu cơ sẽ góp phần hạn chế được ô nhiễm môi trường đất và nước”

 

Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI.

 

Tiến sĩ Trương Hồng cho biết thêm, hiện nay, nhiều nông dân còn giữ thói quen bón phân đón mưa, làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón do bị cuốn trôi theo xói mòn bề mặt và rửa trôi theo chiều sâu, đặc biệt là trên đất dốc. Trong khi đó, biện pháp bón phân cho cà phê khi đất đủ ẩm đã được khuyên dùng từ lâu thông qua tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, song mức độ áp dụng chưa cao, mới đạt 50%. Đại đa số nông dân đã bón phân đúng cách (bón theo tán), tuy nhiên lại không lấp phân sau khi bón dẫn đến nguy cơ lượng phân bị mất đi do ảnh hưởng của thời tiết như nắng hoặc mưa là rất cao. Các nghiên cứu của WASI cho thấy tỷ lệ phân hóa học, đặc biệt là đạm bị mất do bốc hơi có khi lên đến 30% hoặc bị mất theo nước do mưa lớn, từ 20 – 30%.

Để sử dụng phân bón hóa học thật sự hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, WASI khuyến nghị người trồng cà phê cần nhanh chóng thay đổi tập quán bón phân bằng cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quản lý phân bón như: bón đúng kỹ thuật, đúng thời điểm theo lượng phân khuyến cáo và bón phân qua hệ thống tưới tiết kiệm nước... Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê, lượng nước tưới sẽ được phân phối trực tiếp đến từng cây 60 – 80 lít/giờ/gốc, kết hợp bón phân qua nước cho phép cung cấp dinh dưỡng đều đặn và chủ động, tăng hiệu quả sử dụng (tránh tình trạng phân bị rửa trôi) và giảm ô nhiễm môi trường. 

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc