Multimedia Đọc Báo in

Những phát minh khoa học – công nghệ mới

07:50, 18/03/2017

Đèn thắp sáng bằng... nước muối

Hãng Hitachi Maxell (Nhật Bản) vừa cho ra đời một sản phẩm lạ và hữu ích: đèn thắp sáng bằng nước muối có tên Mizusion, rất thiết thực trong trường hợp khẩn cấp như mất điện khi gió bão, động đất hay các thảm họa thiên nhiên khác. Thay vì dùng pin, người ta chỉ cần nước pha muối là có thể giúp đèn sáng tới 80 giờ. Cấu trúc chính của Mizusion là dùng oxi trong không khí kết hợp với một thanh ma-giê, hay còn gọi là thanh “cấp điện” tạo điện cực âm, cực dương sinh điện. Theo hãng Hitachi Maxell, Mizusion có giá 26 USD nếu mua ở Nhật, còn mua ở thị trường nước ngoài giá khoảng 57 USD, riêng thanh ma-giê có thể thay mới, với chi phí chỉ có 9 USD.

Đèn thắp sáng bằng nước muối.
Đèn thắp sáng bằng nước muối.

Thiết bị đo đường huyết không cần lấy máu

Thiết bị có tên GlucoTrack của hãng Integrity Applications (IA) Israel có thể đo đường huyết không cần lấy máu và cho kết quả tức thì. Thay vì lấy máu, người bệnh chỉ cần kẹp GlucoTrack vào dái tai. GlucoTrack hoạt động theo nguyên lý kết hợp công nghệ siêu âm, điện từ và nhiệt vào trong một thuật toán độc quyền để đo các thông tin sinh lý liên quan đến glucose có trong máu.  Chỉ trong 1 phút, kết quả hiển thị ngay trên thiết bị điều khiển dạng cầm tay kết nối USB, đồng thời dữ liệu còn được lưu để theo dõi, so sánh và ứng dụng điều trị, thậm chí còn được hiển thị bằng âm thanh giúp người lớn tuổi và khiếm thị mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường biết được đường huyết của mình. Để bảo đảm độ tin cậy cao, GlucoTrack Model DF-F cần được sử dụng trong nhà kín, không bị ảnh hưởng bởi gió và nhiệt độ trong phạm vi từ 15 - 35 độ C, phù hợp với nhóm người lớn trên 18 tuổi bị bệnh tiểu đường loại 2 hoặc tiền tiểu đường.

Ghế ôtô theo dõi sức khỏe tài xế

Hãng New Japan Radio Co Ltd (JRC) của Nhật Bản vừa trình làng một loại ghế ôtô đời mới, có thêm tính năng giám sát sức khoẻ bác tài  như đo nhịp tim và hô hấp... nhờ hệ cảm biến vi sóng băng tần 24GHz để bảo đảm an toàn cho người lái khi tham gia giao thông, nhất là trường hợp sức khoẻ lái xe quá mệt mỏi, buồn ngủ, không làm chủ bản thân. Bộ dò tín hiệu của ghế bao gồm hàng loạt các sensor siêu nhỏ, kích thước chỉ khoảng 25 x 25mm mỗi cái. Cảm biến sử dụng hiệu ứng Doppler và dùng vi sóng để phát hiện những thay đổi tần số thay đổi phát ra từ các cử động của con người. Dữ liệu thu thập sẽ được xử lý và phân loại thành nhịp tim và hơi thở trên mỗi phút. Mô hình ghế xe nói trên hiện đang tiếp tục được cải tiến, đặc biệt là độ tin cậy của cảm biến khi tiếp xúc đông người, hoặc sử dụng kết hợp giữa cảm biến với phần mềm chuyên dụng để giảm giá thành trước khi được đưa ra thương phẩm chính thức.

Màng phủ làm mát môi trường

Nhóm chuyên gia ở Đại học Colorado (Mỹ) vừa phát triển thành công một loại màng phủ có thể làm mát vật liệu mà nó bao trùm lên, giảm được tới 100C. Thực chất đây là loại màng plastic trong suốt có thể làm mát các công trình xây dựng, xe cộ hay các công trình cần giữ mát mà không tiêu hao điện và nước, ngay cả khi bị ánh nắng trực tiếp vào. Màng phủ này được làm từ nhựa trong suốt nhúng hạt thủy tinh siêu nhỏ, có khả năng hấp thụ hầu hết các loại ánh sáng không nhìn thấy, nhưng lại hút nhiệt ra từ bất kỳ bề mặt nào mà nó phủ lên. Người ta gọi đây là màng "lai" giữa polymer với thủy tinh, dày chừng 50 micrômét,  dày hơn giấy bạc một chút, dễ sản xuất thành màng khổ rộng, số lượng lớn nên có dải ứng dụng rất rộng. Sản phẩm này có thể tạo nên một cuộc cách mạng mới trong ngành công nghệ làm mát bằng bức xạ, làm lạnh thụ động, khả năng chống hấp thụ nhiệt duy trì liên tục cả ban ngày lẫn đêm. Chỉ cần phủ 10 - 20 m2 màng phủ nói trên lên nóc nhà là có thể làm mát một ngôi nhà trong mùa hè mà không cần đến các phương tiện làm mát khác, giá thành mỗi mét vuông chỉ có 0,25 - 0,50 USD. Loại vật liệu mới này còn có thể kéo dài tuổi thọ và tăng hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời thêm 1-2% khi được phe phủ.

Găng tay tình yêu

Găng tay tình yêu là sản phẩm độc đáo của nhóm chuyên gia ở Đại học Simon Fraser (SFU) Canada có tên Flex-N-Feel (FNF) vừa đưa ra giới thiệu nhân ngày Lễ tình yêu 2017 để hỗ trợ cho các cặp tình nhân "xa mà gần", có được cảm giác ấm lòng như khi ở bên nhau. FNF tích hợp thêm các cảm biến va chạm nằm trong lòng bàn tay và trên các ngón tay giúp người trong cuộc thực hiện các tương tác phổ thông, hay thực hiện những cú chạm yêu thương. Người dùng có thể mô phỏng các cử chỉ như chạm tay lên mặt, nắm lấy tay nhau, hoặc cho nhau một cái ôm để chuyển đến cho người ở bên kia. Khi người dùng thực hiện thao tác sờ, chạm hoặc uốn cong các ngón tay, các cảm biến này sẽ đo đạc và truyền tải các tín hiệu sang chiếc găng tay bên kia để  lập lại lại hành vi để người đầu kia tiếp nhận.  Theo GS Carman Neustaedter, chủ nhiệm dự án thì găng tay FNF là phương tiện tình thế giúp các cặp đôi yêu nhau nhưng xa nhau để trao đổi tình cảm, cảm xúc giống như họ ở gần nhau.

Nam Bắc Giang 

(Dịch từ GC/IO/TIC/SO/FDC/DM - 2/2017)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.