Những khả năng đặc biệt của con người dưới góc nhìn y học
Cùng với những loại bệnh cực kỳ hiếm gặp thì con người cũng có những khả năng “siêu phàm” mà khoa học hiện đại vẫn chưa tường hết như một số trường hợp tiêu biểu dưới đây.
“Người băng” Wim Hof
Con người không thể tồn tại lâu dài nếu không có thức ăn, nước uống, hoặc sống tại môi trường lạnh quá lâu như trên đỉnh Everest hay ở vùng Bắc Cực. Nhưng trường hợp của ông Wim Hof (53 tuổi, người Hà Lan) lại là ngoại lệ. Hof đã nhiều lần tự đặt mình vào trong những tình huống nguy hiểm nhưng vẫn sống khỏe một cách ngoạn mục. Nổi tiếng nhất là đợt leo lên đỉnh Everest không mặc gì ngoài một chiếc quần đùi và đôi dép. Tuy chưa lên đến đỉnh cao nhất, nhưng Wim Hof vẫn “vô sự” ở mức nhiệt độ lạnh dưới 60 độ C. Wim Hof đã 8 lần lập kỷ lục thế giới về khả năng chịu lạnh, ông được ví như “người băng” của thế kỷ 21 với trải nghiệm từng dạo trên Bắc Cực với nhiệt độ âm 20 độ C, lặn sâu dưới băng hơn 80 m với bộ đồ bơi bình thường, ngâm mình trong bể chứa đá cao 1,5 m trong thời gian 72 phút.
Để lý giải hiện tượng này, Phân ban Nghiên cứu giảm thân nhiệt thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) đã gắn thiết bị giám sát nhiệt độ vào cơ thể Hof nhưng vẫn không phát hiện thấy những bất thường liên quan đến sức khỏe tim mạch lẫn quá trình giảm nhiệt thân nhiệt. Khi được hỏi, Wim Hof cho hay trong các trường hợp này, tâm trí của ông tập trung cao độ, không phân tán kết hợp kỹ thuật hít thở hết sức thận trọng và tỉ mỉ. Một nghiên cứu khác của các chuyên gia ở Đại học Nijmegen (UON), Hà Lan cũng phát hiện thấy cơ thể Hof sở hữu cơ chế tự điều tiết nhiệt độ rất tuyệt vời.
Kỷ lục chạy marathon ở tuổi xưa nay hiếm
Ở tuổi 100, cụ Fauja Singh, nông dân người Sikh (Ấn Độ) đã hoàn tất một cuộc marathon tổ chức tại Toronto (Canada) hồi tháng 10-2011. Ngoài ra, cụ Singh còn giành một số kỷ lục cá nhân đáng nể khác như cuộc chạy Marathon London (2003) 6 giờ 2 phút, kỷ lục chạy marathon cho độ tuổi 90 là 5 giờ 40 phút, cuộc chạy Toronto Waterfront Marathon năm 92 tuổi... Cụ Singh hiện sinh sống tại Ilford, Essex (Anh). Năm 2000, ở tuổi 89, cụ tham gia cuộc chạy marathon đầu tiên ở London. Ở tuổi 100 cộng 6 tháng, cụ hoàn thành 8 kỷ lục điền kinh thế giới theo nhóm tuổi trong một ngày, tổ chức tại Canada. Hiện nay cụ vẫn duy trì chế độ tập chạy mỗi ngày từ 12 - 16 km.
Cụ Fauja Singh và những kỷ lục marathon đáng nể. |
Theo cụ Fauja Singh, do xuất thân từ nông dân nên ngay từ còn bé cụ đã phải lao động chân tay và năng vận động. Ngoài luyện tập, cụ còn duy trì chế độ ăn chay, ăn kiêng với cà ri, gừng và trà. “Bí quyết để có một cuộc sống khỏe và trường thọ là không bao giờ căng thẳng. Hãy biết ơn cuộc đời và những gì đang có, tránh xa nhóm người tiêu cực, luôn giữ nụ cười trên môi và không ngừng vận động”, cụ Fauja tâm sự.
Khả năng bật cao khi nhảy của Ronaldo
Cùng với tài năng bóng đá, cầu thủ bóng đá Cristiano Ronaldo (32 tuổi), đội trưởng đội tuyển bóng đá Bồ Đào Nha còn sở hữu khả năng ít người có được: sức bật cao hơn trung bình so với các cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ. Theo nghiên cứu, khi nhảy Ronaldo tạo ra 5G lực G, gấp 5 lần sức mạnh của một con báo khi nhảy. Ronaldo bật nhảy tại chỗ trên một chiếc máy, hai tay chắp sau hông đạt 44 cm. Khi nhảy tự do giống như vẫn thường làm trên sân cỏ thì độ cao này tăng tới 78 cm, cao hơn mức bình quân của các cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) tới hơn 7 cm. Các kết quả này dựa trên các phép đo cơ sinh học do ĐH Chichester tiến hành năm 2011.
Cùng với sức bật, Ronaldo còn có nhiều khả năng khác thường như thời gian phản ứng của trên sân rất mau lẹ, nhanh hơn cả tốc độ của tàu hỏa cao tốc tới 31 giờ, nếu đi hết chu vi trái đất. Hay một cú sút tự do của Ronaldo có thể nhanh gấp 4 lần so với tên lửa không gian Apollo 11 khi bắt đầu cất cánh. Trung bình mỗi mùa thi đấu, Ronaldo chạy một khoảng cách tương đương từ Madrid đến Lisbon.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Chichester (Anh) thì sở dĩ Ronaldo có nhiều ưu thế sức khỏe là do yếu tố ADN. Hầu hết những người nhảy cao đều có tố chất này ngay từ trong bụng mẹ, đặc biệt là khả năng cơ co giật nhanh, giúp bật cao hơn và nhanh hơn so với những người bình thường. Yếu tố tiếp theo là khả năng luyện tập chuyên cần theo phương châm “thực hành nhiều thì thành thạo”. Về chế độ ăn uống, nhóm người nhảy cao như Ronald thường tiêu thụ lượng protein nhiều hơn để giúp cơ bắp phát triển, nhất là cá, trứng và thịt.
Duy Hùng
(Dịch từ Net/GC/QC/DM - 10/2017)
Ý kiến bạn đọc