Multimedia Đọc Báo in

Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh

06:02, 06/06/2018

Ngày 6-6-1978, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký Quyết định số 327/QĐ-UB thành lập Ban Khoa học Kỹ thuật Đắk Lắk, tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ ngày nay.

Từ đó đến nay, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trong 40 năm qua, hơn 450 đề tài nghiên cứu khoa học và gần 40 dự án nông thôn miền núi, nhiệm vụ KH&CN cấp thiết, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước, dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được nghiên cứu, triển khai trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, KH&CN đã tuyển chọn, sản xuất và nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; ưu tiên phục vụ chế biến nông, lâm sản, tăng nhanh sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, cạnh tranh được với thị trường khu vực và thế giới. Với mục tiêu đổi mới về chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nâng nhanh mức sống của nhân dân, KH&CN đã tập trung nghiên cứu cải tiến, ứng dụng công nghệ mới trong khâu thu hoạch, chế biến một số loại nông sản chủ lực, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Một số dự án nông thôn miền núi đầu tư vào các vùng kinh tế chậm phát triển đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội sâu sắc và có sức lan tỏa lớn. Hoạt động KH&CN ngày càng gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hàng nghìn tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến được ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là tiến bộ về sinh học nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: T.Hồng
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: T.Hồng

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên được đi sâu nghiên cứu nhằm sưu tầm, phát hiện, khẳng định những giá trị đích thực của nó cũng như góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng buôn làng văn hóa mới phù hợp với tập quán của đồng bào các dân tộc.

Công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hướng dẫn, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp. Theo đó, lĩnh vực này đã đạt được một số kết quả nổi bật như: có trên 2.000 lượt Tiêu chuẩn Việt Nam và hơn 1.200 lượt Tiêu chuẩn ngành được phổ biến, hướng dẫn áp dụng; gần 300.000 lượt phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn; hơn 40 doanh nghiệp được trao Giải thưởng chất lượng Việt Nam; hơn 500 hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hơn 50 cơ sở được cấp phép hoạt động an toàn bức xạ; hơn 100 mô hình thư viện điện tử Thông tin KH&CN được xây dựng ở cơ sở; xây dựng, phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột và một số nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương; tổ chức thành công 2 chợ công nghệ và thiết bị, qua đó giúp các doanh nghiệp quảng bá, giao thương, ký kết hàng chục hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Công tác thanh tra KH&CN ngày càng đóng góp quan trọng làm lành mạnh hóa thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. 195 cơ quan hành chính Nhà nước và hơn 100 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến khác; 6 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh được cấp giấy chứng nhận, đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, làm tăng giá trị xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Mạng lưới hoạt động KH&CN cấp huyện từng bước đi vào ổn định, ngày càng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với phát triển KH&CN, xác định phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn có những tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng cầu nối giữa nghiên cứu KH&CN với sản xuất và đời sống chưa được chú trọng đúng mức, một số kết quả nghiên cứu chậm được ứng dụng vào thực tiễn. Thị trường KH&CN bước đầu được hình thành nhưng phát triển còn chậm. Hoạt động chuyển giao KH&CN còn ở quy mô nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ và thiết bị. Nguồn vốn đầu tư cho KH&CN còn ít và dàn trải. 

Giám đốc  Sở Khoa học & Công nghệ Đinh  Khắc Tuấn (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình trồng bơ của người dân TP. Buôn Ma Thuột.
Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đinh Khắc Tuấn (thứ hai từ phải sang) tham quan mô hình trồng bơ của người dân TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: T.Hồng
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, tiếp cận nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phát huy và tăng cường tiềm lực KH&CN, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, có cơ cấu trình độ, chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường liên kết đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ KH&CN đầu ngành đủ sức giải quyết những vấn đề KH&CN trọng điểm, liên ngành; nâng cao vai trò tư vấn, phản biện của hội đồng KH&CN các cấp, các ngành. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN. Phát triển và xã hội hóa các hoạt động dịch vụ KH&CN như tư vấn, xúc tiến chuyển giao công nghệ; đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ; tư vấn, giám định sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN và các bộ phận nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế về KH&CN, đa dạng hóa các mối quan hệ và các hình thức hợp tác nghiên cứu khoa học và triển khai hoạt động KH&CN; tạo điều kiện cho cán bộ KH&CN tiếp cận được các tiến bộ KH&CN của các nước trong khu vực và thế giới, làm chủ được công nghệ nhập ngoại. Phân bổ ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động KH&CN, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Quy hoạch, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN bảo đảm hoạt động có hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu và định hướng nhiệm vụ phát triển trong từng giai đoạn. 
 
Đối với các lĩnh vực cụ thể như khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, y tế, cần tập trung nghiên cứu cung cấp cơ sở thực tiễn, luận cứ khoa học cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, hoạch định chủ trương, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn, chương trình công nghệ sinh học với nội dung trọng tâm là áp dụng rộng rãi công nghệ sinh học để tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch.

             TS. Đinh Khắc Tuấn

 Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.