Giải mã những bí ẩn của "Tam giác rồng" ở châu Á
Tam giác rồng ở đâu ?
Theo tạp chí trực tuyến Allthatsinteresting của Mỹ số ra đầu tháng 6-2018, Tam giác rồng (Dragon’s Triangle) là địa danh nói về một vùng biển chết chóc y như Tam giác quỷ Bermuda ở Đại Tây Dương, tọa lạc giữa bờ biển Nhật Bản (quanh đảo Miyake, cách Tokyo chừng 117 km về phía nam), bờ biển phía tây Philippines và bờ biển phía tây đảo Guam thuộc lãnh thổ của Mỹ.
Cái tên “Tam giác rồng” dựa trên truyền thuyết có từ cách đây trên một thiên niên kỷ của người Trung Quốc, rằng ở sâu dưới đáy biển có một con rồng khổng lồ và đói khát, nuốt gọn mọi tàu bè qua lại. Theo lời đồn đại, tất cả mọi phương tiện giao thông nếu đi vào vùng biển này đều mất tích không dấu vết, kể cả tín hiệu cầu cứu. Tam giác rồng thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới khoa học hiện đại, nhằm giải mã những vụ mất tích thương tâm.
Những vụ mất tích bí ẩn ở Tam giác rồng
Trong cuốn sách phát hành năm 1989 có tên “The Dragon's Triangle” (Tam giác rồng) của Charles Berlitz chỉ ra rằng, từ năm 1952-1954, Nhật Bản đã bị mất 5 tàu chiến và 700 người ở vùng biển này. Trong số đó có tàu nghiên cứu Kaiyo Maru số 5 của Chính phủ Nhật Bản cử đi để tiến hành nghiên cứu, điều tra vùng biển này. Tuy nhiên, con tàu và 31 thủy thủ đã mãi mãi không trở về sau chuyến đi đó. Sau đó Chính phủ Nhật Bản buộc phải tuyên bố Tam giác rồng là vùng đất không an toàn và cảnh báo những người đi biển. Theo thống kê của Phân ban an ninh hàng hải Nhật Bản, chỉ trong vòng 9 năm từ 1963-1972, đã có 161 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ bị mất tích ở Tam giác rồng.
Đảo Bonin, nơi tàu Kaio Maru số 5 của Nhật Bản gặp nạn. |
Vào tháng 5-1945, Hạm đội 38 của Hải quân Mỹ bao gồm cả tàu sân bay và các tàu khu trục oanh kích dữ dội đội biệt kích thần phong của Nhật Bản trong ba ngày liền. Khi ngừng để bổ sung nhiên liệu bỗng dưng cả hạm đội phải gồng mình chống chọi với một thảm họa thiên nhiên khốc liệt ngay tại vùng biển này. Hơn 200 chiếc chiến đấu cơ bị quét khỏi mặt boong tàu sân bay cùng 765 thủy thủ chết và mất tích. Đây là thảm họa thiên nhiên lớn nhất mà Hải quân Mỹ phải hứng chịu trong Thế chiến thứ hai mà người ta nghi ngờ có “bàn tay” của Tam giác rồng.
Bí ẩn Tam giác rồng dưới góc nhìn khoa học
Giống như Tam giác quỷ Bermuda, Tam giác rồng đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Như trên đã đề cập, năm 1952, Nhật Bản đã gửi một tàu đến Tam giác rồng để điều tra sự biến mất của các con tàu gần đảo Bonin, còn được gọi là quần đảo Ogasawara, tạo thành mũi đông nam của Tam giác rồng. Theo kế hoạch, tàu Kaiyo Maru số 5 với thành viên 31 người được cử đến khu vực xung quanh quần đảo Bonin để điều tra, nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ thì tàu đã chìm vào ngày 24-9-1952. Sau thời gian dài nghiên cứu, hóa ra một ngọn núi lửa dưới nước đã bùng nổ khi tàu Kaiyo Maru số 5 có mặt. Núi lửa hoạt động làm nước biển sôi lên, tàu bị chìm đột ngột, những người đi trên tàu không có cơ hội để trốn thoát. Đến nay khu vực này vẫn cách ly giao thông và phục vụ cho nghiên cứu. Tuy nhiên, kết luận nói trên vẫn chưa mang tính thuyết phục bởi sau đó vẫn có nhiều thảm họa xảy ra.
Năm 1995, Larry Kusche tác giả cuốn “The Bermuda Triangle Mystery – Solved” (Bí ẩn Tam giác Bermuda đã được giải mã) cho biết một số tàu bè cá biến mất tại Tam giác rồng và những lời đồn đoán khác chẳng có gì là bí ẩn cả, tàu chìm không phải là chuyện lạ. Larry Kusche còn nhấn mạnh, những gì liên quan đến tàu nghiên cứu Kaiyo Maru số 5 cũng không phải là ngoại lệ. Tàu bị nạn là do hoạt động núi lửa dưới đáy biển xuất hiện bất ngờ bởi đây là cái rốn hoạt động của núi lửa… Ngoài ra, còn phải kể đến các hoạt động địa chấn khác, sự hiện diện mỏ methane hydrates. Khí methane hydrates tồn tại dưới dạng trầm tích băng từ đáy, khi bốc hơi sẽ tạo ra những bọt khí trên bề mặt và bùng nổ kéo theo áp lực và nhiệt độ cực lớn gây nguy hiểm cho tàu bè. Theo Kusche và cũng là nhận xét chung của các nhà điều tra, núi lửa hoạt động cùng với địa chấn, thời tiết khắc nghiệt... có thể là nguyên nhân tạo ra mối nguy hiểm ở Tam giác rồng. Việc dùng tàu bè hiện đại, dự báo thời tiết và giám sát các hoạt động địa chấn sẽ làm cho giao thông ở Tam giác rồng trở nên an toàn hơn, xóa đi những đồn đoán thiếu khoa học.
Khắc Duy (Dịch từ Net/AIC/MIC- 6/2018)
Ý kiến bạn đọc