Multimedia Đọc Báo in

Crinoline - mẫu váy "tử thần" của phụ nữ châu Âu một thời

14:52, 25/09/2018

Crinolinemania là một trào lưu thời trang huyền thoại thời Nữ hoàng Victoria (Anh), nhưng cũng là “sát thủ đáng gờm” làm cho hơn 3.000 phụ nữ châu Âu bị thiệt mạng chỉ vì ưa thích loại váy có tên Crinoline vừa “bồng bềnh lại quyến rũ”.

Nguyên thủy, những chiếc váy Crinoline được thợ “làng nghề” trong lĩnh vực thời trang tạo ra trong thế kỷ 17 và 18, sau đó tiếp tục được “tiến hóa”  tạo ra một chiếc váy lớn hình vuông. Để tạo được độ phồng cầu kỳ, người ta phải nhờ đến sự trợ giúp đặc biệt của tùng váy. Ban đầu, phụ kiện đặc biệt này được làm từ lông đuôi ngựa cùng với hàng chục lớp vải lót cotton. Tuy nhiên, người mặc cảm thấy nặng nề, bí bách, khó di chuyển bởi những chiếc tùng váy này. Đến năm 1850, một thợ làm váy lão luyện đã chế tạo ra tùng váy làm từ thép định hình siêu nhẹ. Nó được xem là một phát minh đột phá của ngành thời trang lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, theo một số nhà sử học về lĩnh vực thời trang, ngay từ cuối thế kỷ 15, những thợ làng nghề Tây Ban Nha là những người tiên phong của trào lưu thời trang Crinolinemania. Họ tạo ra những chiếc váy rộng, bồng bềnh được các quý bà Tây Ban Nha rất ưa chuộng. Nữ hoàng Joana của Bồ Đào Nha đã đề nghị dùng phong cách váy này cho hoàng gia. Ngay lập tức nó được giới thượng lưu ca ngợi hết lời, riêng Nữ hoàng Joana ưa chuộng hơn cả vì nó rất hợp với bà lúc đang mang thai. Sau đó loại váy này đã được xuất ngoại sang Anh. Người đầu tiên mang trang phục này là Catherine, vợ đầu tiên của Vua Henry VIII. Đây là một chiếc váy Tây Ban Nha được làm bằng vải lanh và nhiều vật liệu quý giá khác.

Váy Crinoline thời  Nữ hoàng Victoria (Anh).
Váy Crinoline thời Nữ hoàng Victoria (Anh).

Theo thông tin trên tạp chí Punch số ra đầu thế kỷ 19, một trong những chiếc váy phồng nổi tiếng nhất thế giới là chiếc váy làm từ  khung được cấp bằng sáng chế năm 1856 của hãng R.C. Milliet ở Paris (Pháp). Sau đó hãng này đã mang váy đến bán tại Anh. Khi vào Anh, váy Crinoline tiếp tục được cải tiến với kích thước lớn hơn, hình tròn tinh tế hơn. Ban đầu, Crinoline được làm từ vải lông đuôi ngựa, bông hoặc vải lanh. Sau lông đuôi ngựa được thay bằng một chiếc lồng. Loại lồng này được dựa trên khung thép có đường kính trong rộng từ 1 - 4,5 mét. Giống như các loại thời trang khác, váy Crinoline ban đầu được giới thượng lưu dùng  sau đó đến thường dân và ngày càng được cải tiến để giảm sự bất tiện.

Dù là một trào lưu thời trang nổi tiếng nhưng đã có tới hơn 3.000 phụ nữ châu Âu chết vì trang phục này. Nguyên nhân là do váy quá to dài và cồng kềnh, dễ vướng vào nến hoặc bắt lửa gây hỏa hoạn hoặc móc vào các đồ vật khi tham gia giao thông và cả những lý do ít ai ngờ tới như vướng vào bánh xe ngựa, ngã xuống hồ, vướng vào diều hay súc vật...

Chẳng hạn năm 1858, một phụ nữ ở Boston (Mỹ) đã bị thiêu rụi khi váy bén lửa từ lò sưởi. Tháng 2-1863, Margeret Davey, một nữ giúp việc 14 tuổi cũng đã chết thảm vì bỏng khi váy Crinoline bốc lửa. Còn ở Philadelphia, 9 phụ nữ đã chết khi một ngọn nến rơi vào trang phục này. Tại Anh, chỉ trong vòng  2 tháng đã có tới 19 ca tử vong do trang phục này bốc cháy. Phần lớn những người chứng kiến tai nạn đều không biết cách giải cứu nạn  nhân bởi họ sợ váy của mình cũng có thể bốc cháy theo. Ngoài tính dễ bốc cháy, váy Crinoline còn gây ra những bất tiện cho người mặc như đi tàu xe, váy vướng vào bánh xe hoặc bị gió cuốn đi. Theo tờ The Essex Standard, một phụ nữ Anh khi dệt vải phùng để may váy đã bị máy cuốn vào khiến sọ bị nghiền nát...

Trào lưu thời trang Crinolinemania đã tồn tại hơn 6 thập kỷ và "tuyệt chủng" vào cuối thế kỷ 19; sang đầu thế kỷ 20 nó đã phục hưng trở lại với phần váy nhỏ hơn, gọn hơn. Khoảng hai thập kỷ tiếp theo, váy Crinoline đã được nhà thiết kế thời trang danh tiếng Christian Dior người Pháp chính thức cho hồi sinh bằng những mốt mới, đó là váy cưới bồng bềnh, quyến rũ, tiền thân của các loại áo cưới hiện đại ngày nay.

Nguyễn Duy

 (Dịch từ TVN/BTC/FHC)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.